Công nghệ sạc siêu nhanh giúp xe điện tiện lợi hơn nhưng cũng âm thầm rút ngắn tuổi thọ pin, khiến người dùng đối mặt với chi phí thay pin cực cao và nguy cơ mất bảo hành. Những cảnh báo từ Trung Quốc là bài học quan trọng cho Việt Nam khi phát triển hạ tầng xe điện.
Pin hiện là bộ phận đắt đỏ nhất trên xe điện, chiếm khoảng 40–50% giá trị xe mới. Khi pin xuống cấp nhanh do sạc siêu nhanh, người dùng buộc phải cân nhắc giữa việc thay pin với chi phí lớn hoặc chấp nhận bán xe với giá thấp. Nhiều tài xế xe công nghệ – những người sử dụng sạc nhanh thường xuyên để tối ưu thời gian hoạt động đang là đối tượng chịu ảnh hưởng rõ rệt từ hiện tượng chai pin.
Một khảo sát do CarNewsChina tổng hợp cho thấy các xe sử dụng sạc nhanh trên 70% số lần sạc có thể giảm dung lượng pin từ 100% xuống chỉ còn 85% sau hai năm sử dụng. Thêm vào đó, nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa cũng chỉ ra việc sạc liên tục với công suất trên 120kW có thể rút ngắn tuổi thọ pin tới 40% so với sạc chậm thông thường.
Dù các hãng xe tại Trung Quốc buộc phải bảo hành pin ít nhất 8 năm hoặc 120.000 km nhưng điều kiện bảo hành lại nhiều ràng buộc: xe phải chính chủ, không dùng thương mại, giới hạn số km chạy mỗi năm và yêu cầu bảo dưỡng tại xưởng chính hãng. Thậm chí, một số chính sách còn loại trừ các xe sử dụng sạc nhanh quá thường xuyên khỏi diện được bảo hành, khiến người dùng bị thiệt dù sử dụng đúng chức năng được quảng cáo. Nhiều người còn nhầm tưởng khái niệm “bảo hành trọn đời” đồng nghĩa với việc được thay pin bất kỳ lúc nào khi xe sụt hiệu suất.
Trên thực tế, phần lớn chính sách bảo hành chỉ áp dụng cho lỗi sản xuất, không bao gồm hiện tượng suy giảm hiệu suất tự nhiên theo thời gian. Một khảo sát gần đây cho thấy chỉ 23% chủ xe hiểu đúng nội dung bảo hành pin, trong khi hơn một nửa người dùng cho rằng họ sẽ được thay pin miễn phí bất cứ khi nào cảm thấy pin yếu.
Đằng sau sự tiện lợi của sạc nhanh là chi phí thay pin đắt đỏ và hiệu suất giảm dần. (Ảnh minh họa).
Trước tình hình này, nhiều hãng xe đang nỗ lực khắc phục bằng cách tích hợp hệ thống quản lý pin (BMS) thông minh, cải thiện khả năng kiểm soát nhiệt độ khi sạc nhanh và phát triển trạm sạc tự điều chỉnh dòng điện theo trạng thái pin. Dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dùng chỉ nên sử dụng sạc siêu nhanh dưới 40% tổng số lần sạc và nên tránh sạc khi pin dưới 10% hoặc trên 90% – những mức gây tổn hại nhiều nhất đến pin.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển hạ tầng xe điện và xây dựng mạng lưới trạm sạc toàn quốc, bài học trên là rất cần thiết để tránh lặp lại sai lầm. Các doanh nghiệp và nhà quản lý cần xây dựng chiến lược cân bằng giữa tốc độ sạc và độ bền pin. Việc tập trung quảng bá sạc nhanh mà bỏ qua cảnh báo về rủi ro pin chai sớm có thể khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Cần quy hoạch đồng bộ trạm sạc nhanh và sạc chậm, đặc biệt tại các chung cư, bãi xe dài hạn, văn phòng – nơi người dùng có nhiều thời gian để sạc chậm an toàn.
Chính sách bảo hành cũng cần được chuẩn hóa. Cần phân biệt rõ giữa lỗi sản xuất và suy giảm hiệu suất do sử dụng thông thường. Đồng thời, điều kiện bảo hành liên quan đến sạc nhanh như tần suất sử dụng và công suất sạc cũng cần được công bố rõ ràng để tránh trường hợp người dùng bị từ chối bảo hành một cách bất ngờ.
Một hướng đi khác là đầu tư sớm vào công nghệ bảo vệ pin, như tích hợp hệ thống giám sát nhiệt độ và BMS thông minh trong cả xe lẫn trạm sạc. Đây là giải pháp chi phí thấp hơn nhiều so với việc bảo hành đại trà và mang lại giá trị bền vững cho người tiêu dùng.
Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức người dùng là yếu tố then chốt. Các hãng xe, đơn vị vận hành trạm sạc cần tích cực phổ biến kiến thức về cách sạc pin đúng cách: tránh sạc quá nhanh khi pin quá thấp hoặc quá đầy, ưu tiên sạc chậm khi có thời gian và không lạm dụng sạc nhanh chỉ vì sự tiện lợi ngắn hạn. Chỉ khi người dùng hiểu đúng, sử dụng đúng và được bảo vệ đúng cách, thị trường xe điện mới có thể phát triển bền vững.