Singapore cân nhắc xây các đảo nhân tạo ngoài khơi bờ biển phía đông để bảo vệ những vùng đất thấp khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Mô phỏng khung cảnh nhìn từ Công viên Bờ Đông hướng ra Long Island. Ảnh: URA
Các nghiên cứu về kỹ thuật và tác động tới môi trường của dự án đảo nhân tạo "Long Island" sẽ bắt đầu vào năm 2024 và dự kiến hoàn thành trong 5 năm, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Sinapore Desmond Lee cho biết hôm 28/11. Tổng diện tích đất bồi đắp trong dự án có thể lên tới 800 ha, giúp nước này có thêm không gian cho nhà ở, công viên và các ngành công nghiệp.
Năm 2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cảnh báo, nước biển dâng là mối đe dọa nghiêm trọng với Singapore và các biện pháp bảo vệ bờ biển có thể tốn khoảng 75 tỷ USD trở lên trong 100 năm tới.
Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) đang xin ý kiến của người dân về Long Island - dự án có thể mất vài thập kỷ để phát triển. Trên website, URA cho biết, các đảo nhân tạo có thể xây cao hơn so với phần đất nội địa, tạo thành "tuyến phòng thủ" trước mực nước biển dâng cao.
Các cơ quan chính phủ từng nghiên cứu xây tường chắn cao 3 m dọc theo toàn bộ bờ biển, được hỗ trợ bởi các cửa ngăn thủy triều và trạm bơm. Theo Lee, bức tường khả thi về mặt kỹ thuật nhưng không lý tưởng với Công viên Bờ Đông vì nhiều khu vực của công viên sẽ phải đóng cửa trong thời gian dài khi xây dựng bức tường. Nếu hoàn thành, bức tường cũng gây cản trở khi người dân đến bờ biển cho mục đích giải trí và thể thao. Bên cạnh đó, các trạm bơm sẽ chiếm diện tích lên tới 15 sân bóng trong công viên.
Theo Adam Switzer, giáo sư tại Trường Môi trường châu Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, cần tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên sâu với Long Island, bao gồm cả việc xem xét tác động của dự án đến những dòng hải lưu ven biển và đáy biển. "Cần cân nhắc thật cẩn thận về tác động tiềm tàng với cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường nhân tạo", Switzer nói.
Tuy nhiên, Switzer cũng cho biết, Singapore có kinh nghiệm về bồi đắp đất quy mô lớn, ví dụ như trong dự án Sân bay Changi, khu tài chính Vịnh Marina và Cảng Tuas. Theo Koh Chan Ghee, giáo sư khoa kỹ thuật môi trường và dân dụng tại Đại học Quốc gia Singapore, những giải pháp tự nhiên như rừng ngập mặn, thảm thực vật biển và rạn san hô cũng nên được áp dụng.