Bước sang năm 2015, 67 startup được đầu tư, nhiều hơn 2 lần so với con số 28 trong năm 2014. Đồng thời vốn ngoại và nhà đầu tư thiên thần cũng tăng. Số lượng công ty công nghệ được đầu tư tăng dần theo từng năm. 4 lĩnh vực được đầu tư mạnh trong năm 2015 là thương mại điện tử, truyền thông, tài chính trên nền tảng công nghệ (fintech), giáo dục trên nền tảng công nghệ (edtech). Trong đó, gần một nửa số đầu tư ban đầu (angel/seed) cho các doanh nghiệp Việt đến từ các nhà đầu tư ngoài nước.
Trong tổng số các thương vụ được đầu tư vào năm 2015, có 25,8% đợt rót vốn lần đầu (seed), 37,1% rót vốn giai đoạn A (series A), 16,1% rót vốn dạng angel, 6,5% rót vốn giai đoạn C. Hơn 4 thương vụ đầu tư giai đoạn C đều đạt mức vốn từ 10 triệu USD trở lên. Trong đó, Foody nhận vốn từ Tiger Global Invesment; iCare (Mobivi) nhận hơn 20 triệu USD từ Unitus Impact; Cốc Cốc nhận 14 triệu USD từ Hubert Burda; Huy Vietnam nhận 15 triệu USD từ Templeton.
Một điểm tích cực của thị trường là mô hình Accelerator (tăng tốc khởi nghiệp) đang được đặc biệt quan tâm. Một số tổ chức nước ngoài đã hướng đến thị trường Việt Nam như JFDI của Singapo, 500 Startup của Mỹ, 1337 của Malaixia… Xu hướng này giúp hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trở nên sôi động hơn. Những số liệu trên cũng cho thấy đã có sự xuất hiện của Nhà đầu tư thiên thần. Tuy nhiên đa phần các thương vụ vẫn được thực hiện bởi những quỹ đầu tư nước ngoài. Tình hình đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam về cơ bản vẫn không có biến chuyển lớn. Các quỹ mới vẫn trong giai đoạn thăm dò thị trường. Các quỹ đang hoạt động như IDG, Cyber Agent không tiến hành đầu tư thêm mà chỉ tập trung cho các khoản đang đầu tư để có thể thoái vốn. Chúng ta vẫn chưa có một quỹ đầu tư mạo hiểm nào thực sự của riêng mình được thành lập.
Con số 67 thương vụ cũng phần nào cho thấy khởi nghiệp đang là một phong trào tại Việt Nam nhưng nó chưa thực sự nở rộ. Hầu hết các startup đang gặp khó trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Điều này cho thấy phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn mang tính tự phát. Các startup phát triển không được định hướng, quá tập trung vào sản phẩm mà quên đi yếu tố thị trường. Việc tiếp cận các quỹ đầu tư của startup cũng là một quá trình cần được đào tạo bài bản. Các thương vụ thành công nêu trên đều được một người có quan hệ thân thuộc với quỹ đứng ra dàn xếp cũng như lên kế hoạch cụ thể. Thực tế này cho thấy, startup Việt cần phải được đào tạo một cách quy củ, được tạo cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần ngay ở trong giai đoạn đầu phát triển.
Từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp
Về cơ bản hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã dần hình thành với đầy đủ các yếu tố thiết yếu: trung tâm hỗ trợ; không gian làm việc chung; quỹ đầu tư mạo hiểm; các tập đoàn lớn; hệ thống các tổ chức hỗ trợ; truyền thông.
Chính phủ cũng đã và đang thể hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ startup. Mới đây, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016, Chính phủ đã lần đầu tiên yêu cầu phải “Hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như: vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp”. Dự kiến trong năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó dành riêng một mục về quỹ đầu tư mạo hiểm cho chương trình khởi nghiệp quốc gia. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” cũng mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 là: hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Có thể thấy, mục tiêu của Đề án không chỉ là số các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ mà còn là số vốn mà các doanh nghiệp thành công từ Đề án có thể thu hút được từ các khoản đầu tư từ các quỹ tư nhân và cộng đồng xã hội.
Có thể nói, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn rất non trẻ và đang trong những bước đi đầu tiên. Nhưng với sự quan tâm ngày càng rõ nét hơn của Chính phủ, xã hội và sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong cộng đồng khởi nghiệp, chắc chắn trong thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều hơn các startup lớn mạnh, đủ khả năng bắt kịp xu thế phát triển mới và đón đầu làn sóng đầu tư quốc tế.