Tăng năng suất lao động gắn với chuyển đổi số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
12/06/2024
39 Lượt xem
Trong những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của công nhân lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
3 "đẩy mạnh", 3 "tiên phong", 3 "bứt phá"
Trao đổi và trả lời người lao động (NLĐ) về các nội dung tăng năng suất lao động (NSLĐ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển bùng nổ, thay đổi hằng ngày, nâng cao NSLĐ trở thành vấn đề quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng nhấn mạnh, NSLĐ là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.
Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh NSLĐ là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Nhà lãnh tụ cộng sản vĩ đại Karl Marx đã từng khẳng định: NSLĐ là cái đảm bảo cho sự thắng lợi của trật tự xã hội này đối với một trật tự xã hội khác. Gần đây, Nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: "Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả".
Trong thế giới ngày nay, tăng NSLĐ là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, NLĐ, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng NSLĐ.
"03 đẩy mạnh" bao gồm: 1) Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST); 2) đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; 3) đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) để tạo nền tảng cho tăng NSLĐ.
"03 tiên phong" bao gồm: 1) Tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; 2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD); 3) Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng NSLĐ, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức SXKD, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ.
"03 bứt phá" bao gồm: 1) Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; 2) Bứt phá về KH,CN&ĐMST, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, hydrogen…; 3) Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
3 trụ cột thúc đẩy năng suất lao động
Tại Diễn đàn, bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: việc duy trì NSLĐ cao là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ quyết định ban hành một Nghị định riêng về tiền lương cho Viettel và đây cũng đã trở thành tiền đề quan trọng giúp Viettel có được những thành tựu như ngày hôm nay.
Bà Vũ Thị Mai - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) phát biểu tại Diễn đàn
Năm 2023, NSLĐ theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm. Trong đó, tại 1 số đơn vị viễn thông, công nghệ số thì con số này là hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực.
Từ thực tiễn triển khai, bà Vũ Thị Mai chia sẻ một số giải pháp để thúc đẩy NSLĐ với 03 trụ cột chính là nhân lực, công cụ và cơ chế chính sách. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao NSLĐ.
Thứ hai, CĐS mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động SXKD như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn.
Thứ ba, về các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích ĐMST, tăng NSLĐ và trao cơ hội phát triển cho NLĐ dựa trên 05 yếu tố chính gồm: môi trường làm việc; văn hóa giao việc khó, mang tính thách thức cao để cán bộ nhân viên có cơ hội dấn thân, thể hiện khát vọng cống hiến cho tổ chức và xã hội; có cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực và thành tích đóng góp để cán bộ nhân viên yên tâm công tác; Chú trọng đến hoạt động đào tạo và phát triển, nhất là thông qua luân chuyển công việc; tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để cán bộ nhân viên có cơ hội thăng tiến.
Cũng tại diễn đàn, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa 2 bên năm 2024, trọng tâm phối hợp công tác năm 2024 và một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn với Thủ tướng Chính phủ.