Tạo ra tia laser làm từ máu giúp phát hiện sớm bệnh ung thư
13/09/2016
88 Lượt xem
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan (Mỹ) đã phát triển một loại tia laser máu có tác dụng xác định các khối u trong cơ thể, nhờ đó có thể giúp các bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và có sự can thiệp kịp thời của các phương pháp điều trị.
Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn các mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn). Theo các chuyên gia, ung thư xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, từ tia xạ tới hóa chất và virus. Mỗi người có các mức độ kiểm soát khác nhau với việc phơi nhiễm với chất gây ung thư.
Hiện nay, căn bệnh này được liệt vào danh sách bệnh nan y và khả năng chữa khỏi không nhiều phụ thuộc vào loại ung thư mà người bệnh mắc phải. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 ở Mỹ, chỉ sau bệnh tim.
Với mức báo động nghiêm trọng về căn bệnh này, việc phát hiện sớm và có sự can thiệp kịp thời của các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm thiểu tử vong. Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan đã phát triển một loại tia laser máu có tác dụng tìm kiếm xác định các khối u trong cơ thể. Tia laser máu này sử dụng máu người và một chất nhuộm huỳnh quang gọi là indocyanine xanh (ICG). Vậy làm thế nào để tia laser máu này hoạt động?
Từ trước đến nay, để sản xuất một tia laser thì chúng ta cần đến 3 thành tố chính, đó là nguồn ánh sáng, một vật liệu khuếch đại ánh sáng và một khoang phản chiếu. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan đã sử dụng một loại thuốc nhuộm ICG được FDA chấp thuận. Họ đã kết hợp ICG với protein trong máu và khiến cho những tế bào máu phát sáng. Các tế bào máu có thể được sử dụng như một lớp trung gian phát sáng của tia laser.
Khi các nhà nghiên cứu đặt máu cùng ICG trong một xi lanh phản chiếu và bắn vào một chùm ánh sáng cận hồng ngoại, máu phát ra ánh sáng, tạo ra một kỹ thuật mới tiềm năng cho các bác sĩ sử dụng để tìm kiếm các khối u. Xudong Fan, một trong những nhà nghiên cứu của dự án cho biết “Nếu không có máu mà chỉ có ICG thì tia laser này không thể hoạt động được”.
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ cần bơm vào cơ thể chút thuốc nhuộm, camera hồng ngoại có thể phát hiện ra được những điểm sáng bất thường. Bởi vì ICG đi trong mạch máu nên các khu vực với số lượng lớn các mạch máu, chẳng hạn như khối u sẽ sáng rực lên.
Loại tia laser máu vẫn chưa được thử nghiệm trên các mô động vật sống.“Chúng tôi cần phải tiến hành nghiên cứu thêm nữa để đảm bảo rằng, các tia sáng do laser máu chiếu ra là không quá mình”, ông Xudong Fan cho biết.
Máu không phải là vật liệu kỳ lạ duy nhất được sử dụng để làm ra các tia laser. Năm 2011, một nhóm nghiên cứu đã sử dụng một tế bào thận sống để tạo ra được laser. Đầu năm nay, một đội ngũ các nhà khoa học thuộc Đại học Michigan đã tìm ra cách biến chất diệp lục trong cây cối trở thành tia laser.