TCVN 13527:2023 về yêu cầu kỹ thuật đối với sơn phản xạ ánh sáng mặt trời
05/09/2024
93 Lượt xem
Sơn phản xạ nhiệt mặt trời hay còn gọi là sơn phản xạ ánh sáng mặt trời thường sử dụng để sơn lên tường và mái của các tòa nhà, nhà xưởng,… nhằm giảm hấp thụ nhiệt vào bên trong các tòa nhà, góp phần tiết kiệm được năng lượng làm mát cho các công trình xây dựng.
Về cơ bản sơn phản xạ ánh sáng mặt trời có thành phần tương tự như các sản phẩm sơn tường nhưng đã được cải thiện tính chất phản xạ bức xạ nhiệt bằng cách sử dụng các bột độn có khả năng phản xạ, tán xạ, khúc xạ ánh sáng hồng ngoại dẫn tới làm giảm lượng nhiệt do ánh sáng mặt trời gây ra. Bột độn sử dụng trong sơn phản xạ ánh sáng mặt trời thường có cấu trúc hình cầu rỗng có thể phản xạ ánh sáng mặt trời. Kích thước của các hạt càng nhỏ thì khả năng phản xạ ánh sáng mặt trời càng tốt.
Khả năng phản xạ các tia cực tím (UV), hồng ngoại (IR) phụ thuộc vào kích thước, tỷ lệ của các bột độn. Các bề mặt tường và mái được phủ bằng các loại màng phủ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi nhiệt của ánh sáng mặt trời, do đó sẽ tiết kiệm được năng lượng làm mát cho các công trình.
Trên thị trường có nhiều sản phẩm sơn phản xạ ánh sáng mặt trời được các hãng sơn trong và ngoài nước sản xuất. Do đó để đánh giá chất lượng cũng như sản phẩm có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo hệ thống tiêu chuẩn quy định hay không thì cần tuân theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13527:2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Sơn phản xạ ánh sáng mặt trời cần phải đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn này áp dụng cho lớp phủ phản xạ ánh sáng mặt trời khô tự nhiên sử dụng cho mái nhà. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các loại sơn được sử dụng làm lớp phủ hoàn thiện của hệ lớp phủ chống thấm, hoặc cho hệ sơn đóng rắn nhiệt.
Theo đó, sơn phản xạ ánh sáng mặt trời được chia thành 2 loại theo độ sáng đó là sơn phản xạ ánh sáng mặt trời có độ sáng yếu/trung bình (L*< 80,0). Các nguyên liệu được lựa chọn theo cách riêng để sơn có hệ số phản xạ ánh sáng mặt trời tốt hơn so với các loại sơn thông thường có cùng độ sáng. Sơn phản xạ ánh sáng mặt trời có độ sáng yếu/trung bình phải có độ phản xạ ánh sáng mặt trời, tỷ lệ duy trì hệ số phản xạ ánh sáng mặt trời và các tính chất khác phải đảm bảo ở mức chất lượng nhất định.
Sơn phản xạ ánh sáng mặt trời có độ sáng cao (L*≥ 80,0). Đây là sơn có độ sáng cao được đặc trưng bởi hệ số phản xạ ánh sáng mặt trời cao. Sơn phản xạ ánh sáng mặt trời có độ sáng cao phải có hệ số phản xạ ánh sáng mặt trời cao, tỷ lệ duy trì hệ số phản xạ ánh sáng mặt trời và các chất lượng khác phải đảm bảo ở mức chất lượng nhất định.
Tổng bức xạ ánh sáng mặt trời chính là giá trị được tính toán từ phổ phản xạ trong vùng bước sóng quy định trong JIS K 5602, hệ số phản xạ toàn cầu ở vùng bước sóng (300 nm - 2500 nm), được xác định là tỉ số của cường độ ánh sáng phản xạ từ màng sơn trên toàn bộ ánh sáng mặt trời chiếu tới bề mặt màng sơn.
Phân loại và cấp độ bền thời tiết cũng được phân thành 2 loại. Loại 1 là sơn gốc nước dạng lỏng khô tự nhiên có thành phần bay hơi chủ yếu là nước. Loại 2 là sơn gốc dung môi dạng lỏng khô tự nhiên có thành phần bay hơi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.
Sơn bóng được phân cấp theo độ chịu thời tiết, cấp 1 tốt nhất, sau đó đến cấp 2 và cấp 3. Sơn không bóng (có độ bóng nhỏ hơn 70) không được phân cấp, gọi chung là cấp LG (độ bóng thấp).
Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các yêu cầu kỹ thuật sơn phải đáp ứng cụ thể: Đối với chỉ tiêu trạng thái sơn trong thùng chứa thì mức yêu cầu ở cả 3 cấp độ là khi khuấy sơn sẽ đồng nhất, không có cục vón cứng. Về thời gian khô bề mặt ở nhiệt độ 5 độ C và 23 độ C không lớn hơn 8h và 24h. Về độ ổn định ở nhiệt độ thấp (âm 5 độ C) loại 1 yêu cầu không biến chất, loại 2 không áp dụng.
Về chỉ tiêu ngoại quan màng sơn phải không có biểu hiện khác thường trên bề mặt màng sơn. Hệ số phản xạ ánh sáng mặt trời không có mức quy định nhưng phải báo cáo kết quả thử nghiệm được.
Yêu cầu độ bền va đập không được rạn nứt, bong tróc. Độ bỏng không nhỏ hơn 70 độ hoặc nhỏ hơn 70 độ. Độ bền axit và độ bền kiềm không có dấu hiệu bất thường trên bề mặt màng sơn. Độ bền thời tiết yêu cầu sau khi phơi nhiễm theo quy định, màng sơn không bị nứt, bong tróc, phồng rộp và khi quan sát bằng mắt thường không thấy có độ biến đổi màu lớn khi so sánh giữa mẫu thử và mẫu đối chứng và độ phấn hóa ở cấp 1 hoặc 0.
Độ bền phơi nhiễm ngoài trời yêu cầu màng sơn không bị nứt, bong tróc, phồng rộp, khi quan sát bằng mắt không có độ biến đổi màu lớn khi so sánh giữa mẫu thử và mẫu đối chứng và hệ số duy trì bình quân phản xạ ánh sáng mặt trời trong vùng bước sóng hồng ngoại gần không nhỏ hơn 80 %.