Techfest in Singapore: Thúc đẩy kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo
12/11/2019
274 Lượt xem
Ngày 11/11 (giờ địa phương), Techfest in Singapore tổ chức tại Đại học Temasek Polytechnic trong tuần lễ đổi mới sáng tạo Singapore SWITCH đã thành công tốt đẹp.
Đây là một trong những điểm mới và nổi bật của chuỗi sự kiện hướng tới Techfest quốc gia năm nay do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức nhằm đưa hình ảnh của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam nói chung và Techfest nói riêng tới gần với cộng đồng quốc tế. Sự kiện thu hút hơn 60.000 người tham dự và 1.000 gian hàng triển lãm trưng bày các sản phẩm công nghệ, 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, đại diện các tập đoàn, trường đại học, cơ quan, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Singapore và một số nước khác. Chương trình Techfest in Singapore tiếp tục đến ngày 14/11.
Đoàn Việt Nam tham gia sự kiện này có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, đại diện VSV Accelerator và Tổng giám đốc điều hành BK Holdings. Các hoạt động được diễn ra ở Temasek Polytechnic.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Singapore được đánh giá là một trong những hệ sinh thái phát triển nhất trên thế giới hiện nay đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) và Công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Singapore cũng là thỏi nam châm hút nhân tài và nhà đầu tư với nhiều chương trình hỗ trợ từ chính phủ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp như ưu đãi về thuế, bảo vệ tài sản trí tuệ, các không gian sáng tạo, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và đặc biệt là các chương trình hợp tác, trao đổi”.
Với những tiềm năng này, mục tiêu của Techfest in Singapore 2019 là thu hút nguồn lực công nghệ sáng tạo, tạo ra không gian để kết nối giữa các startups, cộng đồng người Việt Nam tại Singapore và các nước khác trên thế giới. Việt Nam sẽ tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển và hoàn thiện công nghệ, liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để từng bước vươn ra thị trường khu vực, cụ thể là Singapore và quốc tế.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, bước đầu Việt Nam đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp với sự hỗ trợ rất lớn của Đề án 844 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, trong quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận thấy ngoài việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam có một môi trường để phát triển thì Chính phủ cũng đã tạo điều kiện về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng đó là làm thế nào để doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam có thể song hành cùng với các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới. Xuất phát từ thực tế đó mà trong khuôn khổ của Đề án 844 Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đi sang các thị trường mà phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất.
Thứ trưởng Tùng cho biết thêm, hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang được quan tâm, chú trọng và thúc đẩy phát triển cả về chính sách, hạ tầng, thiết chế tài chính và dịch vụ hỗ trợ… Mặc dù mới được hình thành trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ, chỉ tính riêng năm 2018 đã thu hút số vốn đầu tư lên đến gần 900 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017.
“Singapore là một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển nhất trên thế giới hiện nay, đặc biệt là công nghệ tài chính (Fintech) và công nghệ chuỗi khối (blockchain). Do đó, Việt Nam và Singapore đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác trong tương lai. Tôi cũng hy vọng chương trình “Techfest Vietnam in Singapore” sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các đối tác Singapore, từ đó mở ra các cơ hội trao đổi và hợp tác một cách hiệu quả và thường xuyên hơn giữa Việt Nam và Singapore”, Thứ trưởng Tùng chia sẻ.
Sau bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Trần Văn Tùng giới thiệu khái quát sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam và mời gọi các nhà đầu tư startups, tổ chức hỗ trợ tham dự Techfest quốc gia được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 06/12 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, đại diện các chủ thể tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã giới thiệu năng lực và đặc điểm của các thành phần của hệ sinh thái: tổ chức hỗ trợ, trường đại học, mạng lưới nhà đầu tư, cố vấn, huấn luyện viên, các chương trình hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội. Đại diện startups đoạt giải cao tại các kỳ Techfest quốc gia cũng đã trình bày dự án khởi nghiệp sáng tạo, mô hình kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, y tế thông minh để mời gọi các nhà đầu tư.
Ký kết biên bản hợp tác với Temasek Polytechnic
Bên cạnh đó, để khẳng định tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có bài phát biểu về chủ đề “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và thu hút nguồn lực quốc tế” nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nhân, nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau đến với Việt Nam.
Nằm trong khuôn khổ của Techfest quốc tế tại Singapore, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đại diện của Temasek Polytechnic đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, tăng cường các nguồn lực khác nhau để phát triển nền kỹ thuật khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan. Sự kiện kết thúc vào lúc 17h00 cùng ngày.
Kết thúc chuỗi hoạt động tại Singapore, đoàn Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ, kết nối với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Chuyến đi đã mở ra cơ hội hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp ở cả Việt Nam và Singapore, tạo điều kiện thuận lợi để startup kêu gọi nguồn vốn đầu tư quốc tế, giúp Việt Nam giới thiệu và quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thu hút lực lượng chuyên gia chất lượng cao về đất nước.