Thành tựu nông nghiệp của Việt Nam truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều nước
08/07/2024
48 Lượt xem
Các thách thức an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… là những vấn đề nóng đòi hỏi phải có cách tiếp cận và giải pháp toàn cầu, tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác quốc tế và đề cao chủ nghĩa đa phương; đây cũng là những vấn đề tác động tới toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS) giữ một vai trò đặc biệt trong nỗ lực chung nhằm đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc, để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trong bảo đảm an ninh lương thực.
Để thực hiện được các Mục tiêu SDG, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân; đồng thời bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chính phủ Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc bảo đảm an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.
Nông nghiệp hiện là ngành đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỉ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông – lâm – thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD tiếp cận đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với sự hỗ trợ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhất là về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua. Theo Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 11-1-2022, ngành nông nghiệp của Việt Nam đặt ra các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2024 như: Tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành 3,2 - 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 58%...
Chính phủ Việt Nam cũng mới ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030"; sẵn sàng cùng các nước mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững; bảo đảm an ninh lương thực cho người dân Việt Nam và góp phần thiết thực bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, các bên liên quan cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành nông nghiệp, xây dựng thể chế, thu hút nguồn vốn, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, bảo đảm nguồn giống, bảo vệ thực vật, phân bón, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất và quản lý, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, thiết lập chuỗi cung ứng ổn định toàn cầu trên nguyên tắc tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau, tăng cường vai trò và hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong phát triển nông nghiệp, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, sạch, hữu cơ, tuần hoàn, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực thông qua các chương trình hợp tác Nam – Nam, hợp tác ba bên với sự hỗ trợ, đồng hành của các đối tác quốc tế song phương và đa phương.
Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS) với chủ đề "Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới" được tổ chức mới đây, các nước tham dự đánh giá cao cam kết, mục tiêu của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, nhất trí với quan điểm về an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và các đề xuất hợp tác của Việt Nam; cho biết sẽ cùng nỗ lực thúc đẩy hợp tác và mong muốn Việt Nam cử chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong bảo đảm an ninh lương thực nói riêng, phát triển nông nghiệp nói chung, nhất là trong các ngành lúa gạo, cà phê, thủy sản…
Trong 27 năm qua, Việt Nam đã hỗ trợ 12 nước châu Phi về sản xuất lúa gạo và một số nông sản khác. Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia đã giúp tăng năng suất trồng lúa tại các quốc gia châu Phi lên gấp 2 - 4 lần, góp phần nâng cao đời sống của người châu Phi, giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Việt Nam đã và đang hướng đến là nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm theo tiêu chí: Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững, một nền nông nghiệp xanh, ít phát thải với mục tiêu hướng đến mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Với những kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng và cam kết mở rộng hợp tác Nam - Nam để hỗ trợ các quốc gia châu Phi bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thịnh vượng”.