Tiền Giang: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục hồi cây sầu riêng sau hạn mặn
02/05/2024
65 Lượt xem
Nguy cơ hạn, mặn ảnh hưởng đến cây trồng
Sầu riêng là loại cây trồng lâu năm, trồng một lần nhưng có khả năng cho thu hoạch liên tục trong 50-60 năm và phải trồng sau sáu năm cây mới đến thời kỳ cho quả ổn định. Là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Tiền Giang, sầu riêng là loại quả có chất lượng thơm ngon và giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 22.000 ha sầu riêng, tập trung chủ yếu tại huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy... Tuy nhiên, sầu riêng là loại cây trồng mẫn cảm với mặn, chịu ảnh hưởng nặng nề do diễn biến phức tạp của hạn, mặn….
Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng có khả năng ở mức cao hơn năm 2015-2016. Đặc biệt, nếu thời tiết cực đoan kéo dài, xâm nhập mặn có khả năng sẽ tương đương như mùa khô 2019-2020. Thiệt hại do xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 cho diện tích trồng sầu riêng Tiền Giang là rất nghiêm trọng với gần 4.459 ha bị ảnh hưởng, trong đó, tỷ lệ thiệt hại từ 30 đến 70% là 922 ha và tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 3.537 ha
Mặc dù bị nguy cơ xâm nhập mặn đe dọa, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang vẫn có xu hướng tăng nhất là ở các huyện phía Tây. Số liệu cập nhật mới nhất của tỉnh Tiền Giang tính đến tháng 10/2023, diện tích cây sầu riêng ở huyện Cai Lậy là 10.589,88 ha (chiếm 70% diện tích cây ăn trái của toàn huyện), trong đó các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Hiệp Đức có diện tích trồng sầu riêng lần lượt là 1.486,53, 1.450, 998, 599 ha. Năm 2016 xâm nhập mặn đã có ảnh hưởng đến diện tích vườn sầu riêng của các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Tiên… nhưng năm 2020 ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước mặn xâm nhập vào địa bàn huyện Cai Lậy theo hai hướng: sông Năm Thôn và sông Hàm Luông. Thời điểm hạn mặn, chính quyền địa phương đã tổ chức vận chuyển, cấp phát nước ngọt cho người dân tưới cây sầu riêng, đồng thời, nông dân trồng sầu riêng cũng triển khai nhiều biện pháp ứng phó để hạn chế thiệt hại như: cắt tỉa giảm bớt tán cây, cắt bỏ bông, quả; dùng rơm, cỏ, lục bình che phủ gốc; bồi bùn quanh gốc; bón phân hữu cơ; khoan giếng tầng nông và mua nước ngọt tưới cho cây... Đây là những giải pháp tình thế nhằm giảm thiểu thiệt hại cho vùng sầu riêng chuyên canh của tỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những giải pháp căn cơ và không thể thiếu vai trò của KH&CN.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục hồi cây sầu riêng sau hạn mặn
Để chủ động thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 3711 /QD-UBND phê duyệt Đề án phát triển cây sầu riêng đến năm 2025, trong đó ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với sầu riêng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp nông nghiệp vào sản xuất. Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh Tiền Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng KH&CN, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022-2025 định hướng đến 2030 đã xác định: nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất để gia tăng năng suất, nâng cao hàm lượng khoa học trong sản phẩm.
Nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn đang được người dân Tiền Giang triển khai nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của cây sầu riêng.
Để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất trong tình hình vùng sầu riêng chuyên canh của tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại nặng nề do xâm nhập mặn, năm 2020, Trường Đại học Tiền Giang đã đề xuất và được Sở KH&CN Tiền Giang phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”.
Sau 3 năm triển khai (01/2021-12/2022, gia hạn đến tháng 12/2023), đề tài đã điều tra, đánh giá thực trạng và khảo sát ảnh hưởng hạn mặn đến sinh trưởng và phát triển cây sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy; xây dựng 01 quy trình kỹ thuật canh tác cây sầu riêng ứng dụng sinh học - hữu cơ phục hồi sau hạn mặn (cây cho lá xanh tươi trở lại sau 3-4 tháng; vườn sầu riêng được phục hồi đạt tỷ lệ 80-100%; năng suất không giảm so với trước khi bị suy kiệt) và xây dựng 02 mô hình vườn sầu riêng ứng dụng quy trình này tại xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp (mỗi mô hình 01 ha); xây dựng 01 mô hình vườn sầu riêng (quy mô 01 ha) và 01 quy trình kỹ thuật canh tác cây sầu riêng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến thích ứng với xâm nhập mặn (ứng dụng ao lót bạt HDPE để trữ nước ngọt đủ tưới cho cây sầu riêng trong 4 tháng mùa khô; ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước nhưng vẫn đảm bảo đủ nhu cầu sinh trưởng của cây). Đề tài đã tổ chức 10 buổi tập huấn, 01 hội thảo đầu bờ, 01 hội thảo khoa học.
Từ kết quả nghiên cứu của vườn mô hình, quy trình kỹ thuật canh tác cây sầu riêng ứng dụng sinh học - hữu cơ phục hồi sau hạn mặn và quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến thích ứng với xâm nhập mặn đã được biên soạn làm cơ sở để tập huấn, nhân rộng mô hình, giúp nông dân trồng sầu riêng của tỉnh chủ động ứng phó với xâm nhập mặn trong thời gian tới.
*
* *
Có thể thấy nước ngọt là nguồn tài nguyên có giới hạn, nên để sản xuất sầu riêng được bền vững, cần phải thay đổi cách sử dụng nước tưới cho sầu riêng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, biện pháp trữ nước ngọt kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất cần được tiếp tục nghiên cứu, triển khai cho nông dân áp dụng, chủ động ứng phó với xâm nhập mặn. Hiện tại, quy trình kỹ thuật canh tác cây sầu riêng ứng dụng hữu cơ - sinh học phục hồi sau hạn mặn và quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng thích ứng xâm nhập mặn do đề tài triển khai đã có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, nên rất cần được các cấp/ngành quan tâm để tập huấn rộng rãi cho nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh.