Rộng lượng không đơn thuần là một tính cách được hình thành do môi trường sống và giáo dục mà nó đã có sẵn ở trong não khi chúng ta được sinh ra. Gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra vùng não đảm nhận sự rộng lượng của con người. Theo đó, những người dễ thông cảm với người khác thì vùng não chủ chốt hoạt động nhiều hơn.
Các nhà khoa học phát hiện ra một vùng não nhỏ được biết như vùng vòng cung vỏ não trước trán ở trung tâm bộ não. Vùng não đóng vai trò quan trọng ở những người mắc chứng bệnh trầm cảm. Ở những người có khu vực não này hoàn toàn bình thường, khi họ thể hiện sự cảm thông, nó sẽ lóe sáng lên. Công trình nghiên cứu về nó có thể giúp khoa học thấu thị được phần bên trong bí ẩn của con người, như những bệnh thái nhân cách hay hành vi phản xã hội.
Công việc nghiên cứu được tiến hành bằng cách các nhà khoa học chọn ra những người tham gia và yêu cầu họ thực hiện một số công việc. Bằng cách quét bộ não khi tình nguyện viên tiến hành các công việc, những nhà khoa học đến từ Đại học Oxford và Đại học Anh quốc đã định vị được khu vực não liên quan đến sự rộng lượng và khả năng học hỏi. Họ tập trung vào các hành vi tiền xã hội. Đây là những hoạt động đem lại lợi ích cho người khác và được xem là cực kì quan trọng trong cách con người tương tác với đồng loại và mối quan hệ xã hội.
“Hiện giờ, khoa học hiểu biết rất ít về việc tại sao và như thế nào mà con người giúp đỡ người khác”, bác sỹ Patricia Lockwood - nhà tâm lý học, nhà thần kinh học tại Đại học Oxford, đồng thời cũng là người đứng đầu nghiên cứu này cho biết. Nhà tâm lý học tin rằng, những hành vi tiền xã hội thì khác nhau ở mỗi người nhưng sự cảm thông là nhân tố chính có sức thuyết phục nhất. Nếu ai đó có thể thấu cảm và tưởng tượng chính bản thân họ đang ở trong những tình huống ngặt nghèo mà người khác đang chịu đựng, họ có xu hướng thể hiện sự rộng lượng và những hành vi tiền xã hội khác nhiều hơn.
Trong các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tuyển chọn 31 người có độ tuổi trung bình là 23 tuổi. Những người này được yêu cầu sử dụng máy tính để làm những công việc mà khả dĩ củng cố khả năng học hỏi. Trong bài tập, người tham gia phải học cách tạo ra những biểu tượng mà có thể giúp họ dễ dàng nhận được phần thưởng. Trước mỗi thí nghiệm, người tham gia được hỏi là liệu họ chơi cho chính bản thân, cho người khác hay không vì ai cả?
Mức độ hoạt động ở sgACC liên quan đến khả năng thông cảm ở người
Qua những bài tập, người tham gia thí nghiệm được yêu cầu sử dụng máy cộng hưởng từ và bộ não của họ được giám sát chặt chẽ. Máy cộng hưởng từ này dùng để đo vùng não mà thực hiện nhiều hoạt động dựa vào sự gia tăng áp lực lưu thông máu. Kết quả thể hiện những người đề ra mục đích học để đem lại lợi ích cho người khác thì học được nhanh hơn những người chỉ nghĩ cho bản thân mình. Ngoài việc thể hiện mức độ của việc học hỏi, máy chụp cộng hưởng từ cũng cho thấy một vùng não hoạt động mạnh mẽ ở những người học vì người khác.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, vùng não đã được thí nghiệm đúng là đảm nhận cho tính cách phóng khoáng, rộng lượng ở con người. Khu vực đó được gọi là vùng vòng cung vỏ não trước trán (sgACC) nằm ở vùng trung tâm của não bộ. Nhưng mức độ các hoạt động không được thể hiện giống như nhau ở tất cả các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm. Việc vùng não này hoạt động nhiều hay ít liên quan đến việc bản thân người tham gia mô tả mình là người dễ cảm thông hay không. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học rút ra kết luận, người có sự cảm thông cao thì hoạt động ở sgACC cũng cao, đồng thời khả năng học hỏi những thứ đem lại lợi ích cho cộng đồng cũng nhanh hơn.
“Vùng vòng cung vỏ não trước trán dường như đặc biệt dùng để đem lại lợi ích cho người khác”, bác sỹ Lockwood nói. Trên MailOnline cô cũng cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi đã chỉ ra được, người có tính rộng lượng, dễ thông cảm thì việc học hỏi để giúp ích cho người khác cũng dễ dàng hơn so với những người ít thông cảm. Và bộ não của những người dễ cảm thông cũng có những phản hồi hoàn toàn khác biệt khi làm những việc đem lại ích lợi cho cộng đồng”.
“Qua thí nghiệm, chúng ta biết được bộ não làm gì và khi nào chúng ta quyết định hy sinh cho người khác và những sự khác nhau trong hoạt động này ở mỗi cá nhân. Bằng những sự hiểu biếtÂÂ đó, chúng ta lý giải được những sai lệch trong tình trạng bệnh lý ở người có hành vi phản xã hội, không thèm đếm xỉa đến cộng đồng”.
Nói về bước tiếp theo của hoạt động nghiên cứu, bác sỹ Lockwood cho hay: “Chúng tôi hy vọng hiểu được nhiều hơn cách thức mà vùng vòng cung vỏ não trước trán phản hồi ở những người có sự cảm thông kém và những người có hành vi xã hội rối loạn. Trong một kế hoạch dài hạn, điều này có thể dẫn đến những nghiên cứu mang tính đột phá. Những nghiên cứu nhằm thay đổi cách thức học hỏi những hành vi tiền xã hội ở người bằng cách kích thích vùng não này bằng thuốc hoặc bằng công nghệ”.