Các doanh nghiệp được tham gia hoạt động đào tạo, kết nối với các nhà đầu tư để chuẩn bị các điều kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Thông tin được ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM (Sihub) chia sẻ tại hội thảo "Con đường hướng tới IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tổ chức chiều 9/12.
Theo ông Tước, trong hơn 2 năm qua đơn vị đã xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm 14 học phần. Khóa học được tổ chức thí điểm 2 lớp đầu tiên, đến nay đã đào tạo khóa thứ 7 với tổng số tham gia hơn 500 học viên đại diện cho các startup. Việc đào tạo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trong tình hình Covid-19.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub chia sẻ kết quả ban đầu về chương trình đào tạo IPO chiều 9/12. Ảnh: Hà An
Chương trình này giúp doanh nghiệp quản trị, tổ chức công ty một cách chuẩn mực để hướng đến IPO trong tương lai. Ngoài ra, họ còn được tham gia các hoạt động kết nối với các tổ chức tài chính, đơn vị tư vấn để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Một số doanh nghiệp gọi được vốn khi tham gia chương trình. Trong ba năm tới, chương trình dự kiến phát triển thêm khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp quan tâm và có tiêm năng để đào tạo IPO. Trong số này dự kiến có khoảng 200 – 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để IPO.
"Chúng tôi xây dựng chương trình này với những bước đi sơ khai nên rất cần có sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa", ông Tước nói.
Đánh giá cao mô hình này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Văn phòng đề án 844 giao Sihub triển khai chương trình đào tạo hướng đến con đường IPO cho các doanh nghiệp. Ông mong muốn, thời gian tới chương trình huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo đi vào chiều sâu hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, đi đến cuối con đường khởi nghiệp là IPO.
Dẫn chứng về bức tranh IPO của các startup trong khu vực ASEAN, Thứ trưởng Tùng chia sẻ, trong năm nay các quốc gia ghi nhận 54 thương vụ IPO với tổng giá trị là 5 tỷ đô la. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận được thương vụ IPO nào. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thúc đẩy chính sách hỗ trợ, đề ra các chủ trương mới về phát triển thị trường đầu tư trong và ngoài nước, theo Thứ trưởng Tùng.
"Mô hình của Sihub là cơ sở để chúng tôi trao đổi thảo luận về việc nhân rộng hỗ trợ hướng đến IPO của Đề án 844", ông Tùng nói và mong muốn nhận được góp ý của của chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện định hướng phát triển, triển khai hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.