Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
06/09/2016
165 Lượt xem
Anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) cho biết, anh bắt đầu trồng cây mãng cầu (ta) từ năm 2002. Trước đây, bình quân 1ha mãng cầu cho năng suất 3-4 tấn/vụ, nhưng từ khi ứng dụng VietGAP (năm 2012), sản lượng thu hoạch tăng gấp đôi, khoảng 7-8 tấn/vụ. Theo anh Toàn, với giá bán tại vườn 34.000-35.000 đồng/kg, mỗi vụ cho doanh thu 100-120 triệu đồng. Anh Toàn cho biết thêm: “Thông qua các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do Sở KH-CN và Hội Nông dân tổ chức, chúng tôi được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó đã thay đổi tư duy, cách làm; năng suất và hiệu quả kinh tế có sự thay đổi rõ rệt”.
Theo Sở KH-CN, trong 5 năm (2011-2015), Sở KH-CN đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các địa phương tổ chức 58 lớp tập huấn kỹ thuật khai thác thông tin KH-CN trên mạng Internet cho 1.440 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; cung cấp 60.000 bản tin phổ biến kiến thức; 6.000 bản tin thông tin khoa học; 6.000 bản tin sở hữu trí tuệ; 2.200 bản tin hàng rào kỹ thuật trong thương mại và tiêu chuẩn đo lường chất lượng; tổ chức 6 cuộc thi tuyên truyền viên thông tin KH-CN tại Hội Nông dân các huyện, thành phố cho hội viên nông dân và đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa… Ngoài ra, Sở KH-CN và Hội Nông dân còn phối hợp xây dựng và thực hiện dự 2 dự án KH-CN cấp tỉnh: “Thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng thương phẩm trong ao đất và ruộng lúa tại huyện Đất Đỏ” và “Xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc”. Bên cạnh đó, hàng chục dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN đã được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân như: dự án “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi dông thương phẩm tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa”; dự án “Xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng hành lá và rau cải cục kết hợp phân bón khoáng chất nano công nghệ Đức, hệ thống lưới ngăn côn trùng gây hại và công nghệ tưới nhỏ giọt Israel theo hướng VietGAP tại huyện Tân Thành”; dự án “Xây dựng mô hình thử nghiệm sản xuất giống hàu Thái Bình Dương”; dự án “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong ao đất tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu”…
“Chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở KH-CN với Hội Nông Dân tỉnh giai đoạn 2011-2015” đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phạm vi phối hợp các mô hình sản xuất thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi theo công nghệ tiên tiến chưa nhiều nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu học tập kinh nghiệm thực tế của nông dân trong tỉnh. Do đó, trong chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở KH-CN và Hội Nông dân tỉnh giai đọan 2016-2020, hai đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền cho nông dân về vai trò của KH-CN đối với phát triển kinh tế - xã hội các vùng nông thôn; phổ biến các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình tiên tiến… để nông dân ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời, hướng dẫn, động viên để hội viên nông dân tích cực tham gia các cuộc thi: Sáng tạo nhà nông; Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và toàn quốc; tổ chức các cuộc thi về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ…, từ đó phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh của nông dân.