Vùng Đông Nam Bộ cần có giải pháp mạnh mẽ thu hút cán bộ KH&CN đầu ngành
26/09/2019
206 Lượt xem
Phải “biến” các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa
Sáng 24/9/2019, tại TP. Vũng Tàu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. Hội nghị là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tham dự Hội nghị có: Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT; ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT; lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và hơn 300 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, các nhà khoa học vùng Đông Nam Bộ đã thảo luận, bàn các giải pháp nhằm đưa KH&CN góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”. Chủ đề này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với vùng Đông Nam Bộ mà đối với cả quốc gia, nếu không có KH,CN&ĐMST thì Việt Nam sẽ không bắt kịp tốc độ phát triển nhanh của thế giới.
Bộ trưởng cho biết thêm, ngày 30/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó khẳng định vai trò của KH,CN&ĐMST được coi như một quốc sách phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Khẳng định vùng Đông Nam Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, phát triển KH&CN, giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư nước ngoài của cả khu vực phía Nam đồng thời là vùng kinh tế phát triển năng động và có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của cả nước, góp phần to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, để KH&CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vùng Đông Nam Bộ cần có các giải pháp mạnh mẽ nhằm thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng; cần có các giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN từ Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, đồng thời phải xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia, nơi “biến” các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.
KH,CN&ĐMST là nền tảng cho sự phát triển
Bí thư tỉnh ủy BR-VT Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết, tỉnh đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế không lệ thuộc vào dầu khí, phát triển dựa trên 5 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và công nghiệp công nghệ cao, lấy KH,CN&ĐMST là nền tảng cho sự phát triển.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng cho rằng, để KH&CN có thể là động lực thúc đẩy phát triển cho BR-VT nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung, Bộ KH&CN cần tham mưu với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh một số cơ chế chính sách chưa phù hợp. Ví dụ như các mô hình chính sách cho các đối tượng nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, việc thu hút dự án FDI có ứng dụng KH&CN… Điều này sẽ giúp các nhà khoa học, doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo, đổi mới công nghệ, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn, BR-VT đang triển khai đồng loạt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, một trong những giải pháp đó là tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương phục vụ phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe 15 tham luận. Đây là những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, các doanh nghiệp có nhiều ứng dụng KH&CN vào sản xuất về các giải pháp để KH,CN&ĐMST thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả đối với vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh liên kết “3 nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong các hoạt động ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH&CN; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam hợp tác, hỗ trợ giải quyết bài toán cụ thể trong từng lĩnh vực./..