Xây dựng chính sách từ mô hình thành công của đổi mới sáng tạo
12/01/2022
141 Lượt xem
Từ các mô hình đổi mới sáng tạo thành công, là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách thí điểm từ đó nhân rộng.
Thông tin được ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nói tại tọa đàm "Triển vọng đầu tư vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do Saigon Innovation Hub phối hợp với Viet Lotus và Swiss EP tổ chức, chiều 10/1.
Theo ông Quất, hiện nay Chính phủ rất quan tâm tới hoạt động đổi mới sáng tạo và đưa ra thông điệp ủng hộ cơ chế thử nghiệm thúc đẩy đổi mới, tạo hiệu quả rõ rệt nhất để giúp đất nước vượt qua những tác động tiêu cực của Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) và các đại biểu tham quan sản phẩm của doanh nghiệp đổi mới sáng tao tại Techfest 2021 tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Gia Chính
Cộng đồng đổi mới sáng tạo cần đưa ra giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh giải quyết được những vấn đề của xã hội dưới ảnh hưởng của dịch bệnh là yêu cầu được ông Quất đưa ra trong bối cảnh hiện nay. Các giải pháp đổi mới sáng tạo phải mang tính toàn diện, toàn dân, lấy con người làm mục tiêu cuối cùng để phục vụ, giúp cuộc sống con người được tốt hơn bằng công nghệ mới, các giải pháp tổ chức quản lý có tính sáng tạo.
Theo ông Quất, từ các mô hình thành công ở các đơn vị, địa phương, các trường đại học với nguồn lực về trí tuệ, vốn, thị trường... phát triển những sản phẩm đổi mới sáng tạo của người Việt đi ra thị tường quốc tế hoặc thu hút nước ngoài tham gia là cơ sở để cơ quan quản lý đưa ra chính sách phát triển.
"Những thành công này rất quan trọng để chúng tôi xây dựng chính sách thí điểm thúc đẩy những mô hình này", ông Quất nói và cho rằng việc xây dựng chính sách thí điểm không bị ảnh hưởng các mô hình truyền thống để mở đường cho những cái mới.
Báo cáo tổng quan thị trường đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nghiên cứu cho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư đạt khoảng 1,35 tỷ USD, vượt xa con số 200 triệu USD năm 2016, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 140% mỗi năm. Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, tuy nhiên mỗi năm chỉ có khoảng hơn 100 doanh nghiệp gọi được vốn với trên 200 quỹ đầu tư có mặt trong nước. Trung bình mỗi quỹ chỉ đầu tư được vào một startup trong năm.
Nói về con số còn khiêm tốn này, ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc quản lý quỹ SVF lý giải, đầu tư trong đổi mới sáng tạo là một dạng đầu tư mạo hiểm. Nhà đầu tư thường tính toán hiệu quả kinh doanh nên không thể chấp nhận rủi ro trong đổi mới sáng tạo. "Đầu tư cho đổi mới sáng tạo một phần nào đó là đầu tư cho con người chứ không chỉ là công nghệ vì một sản phẩm có thể liên tục thay đổi trong tương lai. Do vậy đầu tư vào con người rất quan trọng bởi sự trưởng thành, khả năng điều chỉnh của người làm ra sản phẩm đó", ông Hiếu nói.