Xây dựng mô hình liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO cho đồng bào dân tộc miền núi tại tỉnh Bắc Giang
03/04/2025
3 Lượt xem
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc, có hệ sinh thái đặc thù, có nhiều loại động thực vật quí hiếm, trong đó nhiều loài thực vật có giá trị dược học được dùng để làm thuốc chữa bệnh như nấm lim xanh, cà gai leo, hoài sơn (củ mài), ba kích, kim tiền thảo, hà thủ ô. Thực tiễn cho thấy, cây dược liệu được trồng rải rác trên khắp các vùng của tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên tập trung nhiều ở các huyện miền núi như Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam... Những năm gần đây, nhiều hộ dân bản địa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chú ý đến việc trồng, chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu, nhưng sản xuất dược liệu ở địa phương còn nặng về canh tác truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo thị trường nên bị thương lái ép cấp, ép giá dẫn đến năng suất dược liệu thấp, hiệu quả kinh tế không cao, sản xuất không bền vững.
Để hỗ trợ người trồng dược liệu, sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, sự đồng hành của các doanh nghiệp. Việc tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, các mô hình sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để góp phần nâng cao năng suất và chất lượng dược liệu là cần thiết để đảm bảo tính ổn định và sinh kế bền vững cho người trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Tuấn Điệp tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang đã thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO cho đồng bào dân tộc miền núi tại tỉnh Bắc Giang” trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (Cà gai leo (Solanum hainanense Hance), Hoài sơn (Dioscorea persimilis Prain et Burk), góp phần phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Bắc Giang.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
(1) Xây dựng được mô hình trồng Hoài sơn trên địa bàn huyện Sơn Động với tổng diện tích 05 ha, mật độ 30.000 cây/ha. Trong đó:
- Tỉ lệ sống trung bình của 05 mô hình đạt 93,8 % (>85% đạt tiêu chuẩn nghiệm thu).
- Năng suất sản lượng mô hình: năng suất củ tươi trung bình của 05 mô hình đạt được là 23,52 tấn/ha/năm.
- Hiệu quả kinh tế mô hình: quy trình sản xuất năm đầu tiên cho lợi nhuận bình quân 138 triệu đồng/ha/năm. Từ năm thứ 2 trở đi lợi nhuận thu được có thể sẽ đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm do từ năm thứ 2 trở đi không phải đầu tư tiền giống, làm đất, vật tư làm giàn...
(2) Xây dựng được mô hình trồng Cà gai leo trên địa bàn huyện Yên Thế với tổng diện tích 05 ha, mật độ 35.000 cây/ha. Trong đó:
- Tỉ lệ sống trung bình của 03 mô hình đạt 90,58% (>85% đạt tiêu chuẩn nghiệm thu).
- Năng suất chất lượng mô hình: năng suất khô trung bình của ba mô hình đạt được là: 4,5 tấn/ha/năm; sản lượng khô đạt 22,5 tấn/năm/5ha.
- Hiệu quả kinh tế mô hình: quy trình sản xuất một năm 02 vụ thì thu nhập bình quân 124,4 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 2 trở đi thu thập có thể sẽ đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm do từ năm thứ 2 trở đi không phải đầu tư tiền giống, làm đất, che phủ luống...
(3) Hoàn thiện 02 Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế cây Cà gai leo và cây Hoài sơn theo một số tiêu chuẩn GACP được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chấp thuận
(4) Hoàn thiện Quy trình sản xuất Trà túi lọc Cà Gai leo, quy trình sản xuất tỉnh bột Hoài sơn và bộ tiêu chuẩn cơ sở.
(5) Xây dựng mô hình liên kết giữa hộ gia đình tham gia sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dược liệu tạo hướng đi mới và bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi của tỉnh
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20614/2021) tại Cục Thông tin, Thống kê.