Xây dựng quy trình sản xuất giống dược liệu từ 3 loài trà hoa vàng
31/05/2024
70 Lượt xem
Đây là kết quả nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
TS Trần Hồng Sơn, Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên được giao chủ trì nhiệm vụ sản xuất thử nghiệm giống và trồng dược liệu từ 3 loài trà hoa vàng Camellia dalatensis, Camellia dormoyana và Camellia thuongiana tại Lâm Đồng.
Trà hoa vàng. Ảnh: Vân Anh
Được thực hiện từ cuối năm 2018 đến tháng 5/2024, các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình nhân giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu trà hoa vàng. Dự án cũng xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của giống và dược liệu 3 loại trà này, xây dựng vườn giống gốc 1.000 m2/loài và vườn nhân giống 2.000 m2/loài.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng mô hình tập trung 3 loài trà hoa vàng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO, sau đó chuyển giao kỹ thuật trồng thâm canh năng suất cao tại Lâm Đồng. Các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm giống có thể được chuyển giao ở quy mô lớn hơn, phục vụ cho việc chọn lọc các giống mới tại các vùng sinh thái khác. Kết quả nhiệm vụ dự kiến được đánh giá nghiệm thu vào tháng 6 tới.
Theo Đông y, trà hoa vàng là dược liệu có tính bình, vị ngọt, mùi thơm. Các hợp chất có trong trà hoa vàng được cho là có tác dụng hỗ trợ điều trị những khối u ác tính, giảm cholesterol, giảm các bệnh lý về tim mạch, ổn định huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ, giúp thanh nhiệt, giải độc cho gan, chữa các bệnh lý về gan.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, trà hoa vàng có tới 33, 8% hoạt chất có tác dụng ức chế và làm giảm quá trình phát triển của tế bào gây ung thư và có chứa một số nguyên tố vi lượng khác như Se, Ge, Mo, Mn, V, Zn, acid amin...