Xu hướng phát triển truy xuất nguồn gốc trong tương lai: Công nghệ là yếu tố dẫn đầu
06/04/2025
7 Lượt xem
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với các vấn đề như thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu tất yếu giúp xác định, theo dõi và kiểm soát thông tin về quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối của sản phẩm, hàng hóa.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc thường bao gồm một chuỗi thông tin được thu thập và lưu trữ thông qua mã số mã vạch, QR code hoặc RFID (nhận dạng qua tần số vô tuyến). Khi quét mã trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được các thông tin, bao gồm: Nguồn gốc nguyên liệu sản xuất; Quá trình chế biến, vận chuyển; Đơn vị phân phối, tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm; Các chứng nhận chất lượng liên quan về kiểm định chất lượng sản phẩm;…
Nhận định về xu hướng phát triển truy xuất nguồn gốc trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, công nghệ sẽ là yếu tốt dẫn đầu, có thể kể đến như: Ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc đảm bảo dữ liệu minh bạch, không thể sửa đổi; Kết hợp IoT (Internet of Things) giúp theo dõi sản phẩm theo thời gian thực; Trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu truy xuất nguồn gốc;…
Công nghệ Blockchain đảm bảo tinh minh bạch và tin cậy, là yêu cầu quan trọng tiên quyết đối với truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa.
Ví dụ như đối với ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, trước tiên chúng ta cần hiểu Blockchain là công nghệ lưu trữ dữ liệu theo chuỗi. Mỗi khối dữ liệu được móc nối với nhau thông qua các thuật toán phức tạp nhằm đảm bảo khi khối dữ liệu đã được thêm vào chuỗi thì không thể sửa, xóa, thay đổi thứ tự.
Cần nhấn mạnh rằng công nghệ Blockchain mang những đặc điểm: Không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi; Tính minh bạch; Loại bỏ đơn vị trung gian; Tính phi tập trung; Độ tin cậy. Do đó, các ứng dụng dựa trên công nghệ Blockchain sẽ kế thừa các thuộc tính, đặc điểm Blockchain, đặc biệt là về độ tin cậy - yêu cầu quan trọng và thiết yếu đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đều chỉ ra rằng, công nghệ Blockchain là ứng cử viên hàng đầu cho các giải pháp xác thực, mang đến cho xã hội một giải pháp an toàn hơn, thông minh hơn, đáp ứng nhu cầu cao hơn của doanh nghiệp cũng như người sử dụng.
Hay đối với việc sử dụng AI trong truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc từ thực tiễn. Ví dụ như ở nước ta nhiều năm nay, công nghệ viễn thám đã được kết hợp cùng AI trong thu thập, phân tích dữ liệu ngành nông nghiệp. Trong đó, viễn thám là công nghệ giúp thu thập dữ liệu về hiện trạng đất đai, môi trường và cây trồng từ các vệ tinh và thiết bị giám sát từ xa, còn AI giúp phân tích dữ liệu từ xa. Từ đó, tối ưu hoá dữ liệu để có các quyết định sản xuất nông nghiệp phù hợp.
Có thể kể đến thành quả của việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong sản xuất lúa. Cụ thể, thông qua công nghệ này thấy rõ được sự phân bố diện tích, năng suất theo mùa vụ, ước tính sinh khối, sản lượng thu hoạch. Ngoài ra, còn theo dõi lịch thời vụ, giai đoạn sinh trưởng, ảnh hưởng hạn mặn, lũ lụt đến sản xuất lúa; ước tính khí methan phát thải từ ruộng lúa; sâu bệnh, dinh dưỡng, giống lúa.
Trong khi, AI giúp phân tích dữ liệu từ ảnh vệ tinh, cho phép phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến hạn hán, ngập úng hoặc sâu bệnh. Nhờ đó, các biện pháp can thiệp có thể được triển khai kịp thời, giúp giảm thiểu thiệt hại và tối ưu hóa năng suất sản xuất.
Mặt khác, AI còn giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truy xuất dấu vết carbon. Đây là những yếu tố quan trọng trong bối cảnh xu hướng thị trường thay đổi sang hướng “xanh hóa” và yêu cầu của thị trường quốc tế về phát thải khí nhà kính ngày càng cao. Do đó, các doanh nghiệp nông nghiệp có thể sử dụng AI để theo dõi và quản lý phát thải từ khâu sản xuất đến vận chuyển, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững.
Trước làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường mà còn giúp doanh nghiệp tự tin cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, để truy xuất nguồn gốc thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thực hiện, áp dụng, cải tiến hệ thống cũng như các tiêu chuẩn liên quan một cách đồng bộ và minh bạch. Những cải tiến công nghệ và sự hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn của Chính phủ sẽ giúp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, tạo nền tảng cho một thị trường minh bạch, an toàn và bền vững.