Hồ sơ

Trung tâm phát triển công nghệ cao Quốc gia: Việt Nam Tỉnh thành: Hà Nội Ngày tham gia: 02/10/2017 Thành viên miễn phí Sản phẩm chính: đèn led,buồng nuôi cấy mô Xem thêm Liên hệ

Trung tâm phát triển công nghệ cao

Giới thiệu về Trung tâm phát triển công nghệ cao

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

Chức năng:

Quản lý các Khu thử nghiệm công nghệ, Khu nghiên cứu triển khai công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, ươm tạo, nghiên cứu và triển khai công nghệ cao.

Nhiệm vụ:

a) Quản lý, khai thác, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển hạ tầng Khu công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

b) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, hoàn thiện và triển khai công nghệ cao. Hỗ trợ các hoạt động sản xuất thử, thử nghiệm, triển khai công nghệ của các đơn vị tại Khu công nghệ; 

c) Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị khoa học - công nghệ và các sản phẩm công nghệ khác, thí nghiệm vật liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ cao;

d) Quảng bá, truyền thông về công nghệ;

e) Thực hiện các dịch vụ, tư vấn, phát triển khoa học công nghệ, hợp tác triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm;

f) Giúp Chủ tịch Viện Hàn lâm thẩm định hoặc tham gia thẩm định công nghệ tại các Khu công nghệ;

g) Tham gia đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nghệ trình độ cao theo các hướng công nghệ tiên tiến được triển khai tại Khu công nghệ;

h) Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm;

i) Quản lý về tổ chức, bộ máy; quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm;

j) Quản lý về tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước;

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao.

CƠ CẤU TỔ CHỨC

Trung tâm Phát triển công nghệ cao có 14 đơn vị trực thuộc và 1 Hội đồng Khoa học công nghệ, các đơn vị trực thuộc gồm:

Phòng Quản lý tổng hợp

Phòng Quản lý và Phát triển hạ tầng

Phòng Phát triển công nghệ Y – Sinh

Phòng Phát triển công nghệ Sinh học ứng dụng

Phòng Phát triển công nghệ hóa học

Phòng Phát triển vật lý kỹ thuật

Xưởng Cơ khí điện tử

Trung tâm Dịch vụ và Truyền thông công nghệ

Trung tâm Phát triển công nghệ Tây Bắc

Trung tâm Phát triển và Ứng dụng công nghệ môi trường

Trung tâm Vật lý chất mềm và Vật lý sinh học

Trung tâm Phát triển công nghệ hóa học nông nghiệp

Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch

Trung tâm Phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến                                                

Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ:GS.TS. Phan Hồng Khôi

CÁC HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA ĐƠN VỊ

a. Công tác quản lý tại các Khu thử nghiệm Công nghệ, khu nghiên cứu triển khai công nghệ

- Quản lý cơ sở hạ tầng (gồm đất, nhà, công trình kiến trúc trên đất, điện, nước, cầu đường, thiết bị hạ tầng kỹ thuật …) tại các Khu công nghệ được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các công việc: Cải tạo, sửa chữa, chăm sóc cảnh quan và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghệ và theo nhiệm vụ được giao;

- Quản lý công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ tại các Khu công nghệ;

b. Hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, triển khai khoa học công nghệ

- Nghiên cứu, điều tra cơ bản các vấn đề về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp sinh thái và công nghệ sinh học, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng Tây Bắc. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ, xây dựng các quy trình công nghệ, chuyển giao công nghệ vào đời sống và sản xuất cho vùng Tây Bắc.

- Ươm tạo và thử nghiệm công nghệ, triển khai thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực:

+ Vật liệu tiên tiến: Bao gồm công nghệ, vật liệu ống nano cacbon (CNTs); Vật liệu Graphene làm vật liệu nền cho các ứng dụng khác; Vật liệu tổ hợp nền polymer, nền cao su, nền xi măng, nền kim loại; Sử dụng các vật liệu nano gia cường nhằm tạo ra các vật liệu có tính năng vượt trội, ứng dụng trong các ngành thủy lợi, xây dựng, an ninh quốc phòng; Công nghệ, linh kiện, thiết bị chiếu sáng LED tiết kiệm điện năng, ứng dụng trong chiếu sáng chung và trong nông nghiệp,…

+ Hóa học, hóa môi trường: Chế tạo các sản phẩm phục vụ các ngành kinh tế, dân sinh từ nguồn nguyên liệu có khả năng tái sinh bằng công nghệ hóa học nano ít sử dụng nguyên liệu, tiêu hao ít năng lượng; Chế tạo các vật liệu hữu cơ polymer, polymer composit, vật liệu lai cấu trúc nano, vật liệu y – sinh, vật liệu quang nhân tạo chuyển hóa ánh sáng mặt trời, vật liệu thông minh, vật liệu đặc biệt sử dụng trong các điều kiện áp suất lớn, nhiệt độ cao, vật liệu hấp thụ sóng điện từ, xi măng nano cường lực lớn, chống thấm cao; Triển khai ứng dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu sử dụng cho lĩnh vực bảo vệ, khắc phục sự cố môi trường,…

+ Sinh học, Y – sinh: Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ y – dược; Công nghệ sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ các nguồn nguyên liệu sinh học; Công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản, bảo vệ môi trường; Sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ lên men (kháng sinh, ezym,…) và chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật; Phát triển các sản phẩm dùng trong phân tích và chẩn đoán tại các phòng thí nghiệm, bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng dựa vào nền tảng kỹ thuật AND, sản xuất các bộ sinh phẩm chẩn đoán, các chế phẩm xử lý và bảo vệ sức khỏe con người dưới tác động xấu của môi trường hoặc các tác nhân gây bệnh; Sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên hỗ trợ, nâng cao sức khỏe cộng đồng,…

+ Thiết kế, chế tạo linh kiện, thiết bị khoa học công nghệ, dịch vụ kỹ thuật về cơ khí, cơ điện tử.

c. Các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ

- Hợp tác, liên kết với các tổ chức, tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp, các đơn vị liên quan trong và ngoài Viện Hàn lâm KHCNVN nhằm ươm tạo, nghiên cứu phát triển, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ theo nhu cầu của thị trường;

- Tham gia đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ kỹ thuật, công nghệ) có trình độ cao theo các hướng công nghệ tiên tiến được triển khai tại các Khu công nghệ;

- Thực hiện các dịch vụ bảo trì, bảo hành, kiểm định, sữa chữa, thiết kế, chế tạo linh kiện, thiết bị khoa học công nghệ về cơ khí, cơ điện tử;

- Tổ chức các hoạt động dịch vụ khai thác về khoa học công nghệ, dịch vụ hỗ trợ hoạt động của các đơn vị tại các Khu thử nghiệm công nghệ, Khu nghiên cứu triển khai công nghệ do Trung tâm Phát triển công nghệ cao quản lý;

- Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông khoa học công nghệ nhằm quảng bá, lan tỏa thành tựu, sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến vào thực tiễn.

MỘT SỐ THÀNH TỰU NỔI BẬT

Năm 2016, Trung tâm Phát triển công nghệ cao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nổi bật là:

Về Khoa học công nghệ:

Tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án KHCN trọng điểm cấp Viện Hàn lâm KHCNVN và nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN các cấp trong đó nổi bật là:

* Nhiệm vụ Quốc tế

- Tiếp tục triển khai thực hiện đúng tiến độ dự án quốc tế “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại.

* Nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước:

- Tiếp tục triển khai và hoàn thành 3 đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng một số chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong canh tác chè, cà phê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên”, mã số TN3/C01; “Nghiên cứu phát triển công nghệ chiếu sáng LED phục vụ nông nghiệp Tây Nguyên”, mã số TN3/C09; “Nghiên cứu kỹ thuật trồng, phát triển một số loài thuộc chi Nưa (Amorphophallus Blume ex Decne) và quy trình công nghệ chế biến glucomannan tại Tây Nguyên”, mã số TN3/C11. Cả 3 đề tài đã  nghiệm thu cấp Nhà nước, xếp loại Khá;

* Đề tài KHCN cấp Viện Hàn lâm KHCNVN

- Tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án KHCN trọng điểm cấp Viện Hàn lâm KHCNVN “Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong An ninh - Quốc phòng” gồm 03 hợp phần: Hợp phần 1 “Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính”, mã số VAST.TĐ.AN-QP.01/14-16; Hợp phần 2 “Nghiên cứu công nghệ chế tạo một số chủng loại hợp kim vonfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng trong quân sự”, mã số VAST.TĐ.AN-QP.02/14-16; Hợp phần 3 “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong dầu bôi trơn tản nhiệt cho trang thiết bị quân sự”, mã số VAST.TĐ.AN-QP.03/14-16. Cả 3 hợp phần đều vượt tiến độ 6 tháng và đã nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm, xếp loại Xuất sắc. 

Về xây dựng tiềm lực KHCN:

- Thực hiện dự án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ ươm tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ trong lĩnh vực vật liệu đặc biệt tại Trung tâm Phát triển công nghệ cao”. 

- Hoàn thành xây dựng dự án “Khu ươm tạo công nghệ Viện Hàn lâm KHCNVN”.

- Hoàn thành dự án cải tạo: Xây cổng, gara xe đạp-xe máy, nhà bảo vệ và xử lý sụt trượt tại Trung tâm Phát triển công nghệ Tây Bắc. 

Thông tin xuất bản & sở hữu trí tuệ

- Trong năm 2016, Trung tâm đã có 05 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế; 24 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc gia; 01 sách chuyên khảo “Ăn mòn và bảo vệ bê tông cốt thép”.

- Đã được cấp 01 Bằng độc quyền sáng chế “Phương pháp chế tạo xi măng nanocompozit từ clinker - nanoclay hữu cơ”, số bằng 12671 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 28/11/2016.

- Xây dựng 08 tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Công an và TCVN-AN.

Ứng dụng KHCN trong năm 2016

- Triển khai chiết xuất hoa hòe khô thành cao chuẩn hóa polyphenol cung cấp cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ hóa sinh;

- Chuyển giao phần mềm ANSYS Icepak cho Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

- Chuyển giao kết quả nghiên cứu bộ sản phẩm chiến đấu cho người lính (áo phao chống đạn, tấm chống đạn, mũ bảo hiểm chống va đập, bộ ốp bảo vệ tay chống va đập, bộ ốp mềm bảo vệ chân) cho Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và Tài liệu nghiệp vụ, Bộ Công an 

- Chuyển giao kết quả nghiên cứu dầu bôi trơn tản nhiệt chứa thành phần nano cho động cơ trang thiết bị quân sự giúp nâng cao độ dẫn nhiệt của dầu, làm giảm ma sát, giảm mài mòn, tăng công suất động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, kéo dài thời gian sử dụng dầu, giảm khí thải độc hại và nâng cao tuổi thọ và độ bền cho động cơ đốt trong cho Trường Sỹ quan Lục quân I (Bộ Quốc Phòng) và Đoàn 384 (Cục Xe Máy - Tổng Cục Kỹ Thuật)

- Chuyển giao công nghệ xử lý rác thải nguy hại và sinh hoạt cho lò đốt CNC-TBCN cho Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thiết bị công nghiệp

- Chuyển giao công nghệ xử lý khí thải H2S, SO2 cho Công ty TNHH MTV nhôm lâm đồng – TKV

- Triển khai sản xuất khóa chống trộm xe máy nhãn hiệu: ASIMO, sử dụng công nghệ RFID và công nghệ RF, sản phẩm hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường.

- Triển khai lắp ráp, sản xuất máy lọc nước RO nhãn hiệu: Sahara, sử dụng công nghệ lọc RO tích hợp mạch điều khiển thông minh với các chức năng báo hiệu và rửa màng RO tự động, sản phẩm hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường