Mất 25 năm mày mò, nông dân Phạm Văn Hướng mới tìm được phương pháp tạo ngọc theo ý muốn. Hàng chục tượng Phật, chúa Giêsu của ông khiến nhiều người thích thú.
Người sở hữu sản phẩm ngọc trai độc đáo hình Phật bà Quan Thế Âm là nông dân Phạm Văn Hướng (71 tuổi, ngụ ấp Ngọc Lâm 3, xã Phú Xuân, huyện Tân Phú, Đồng Nai).
Miếng ngọc trai độc đáo do ông Hướng tạo ra theo phương thức cấy ngọc trên thân trai nước ngọt. "Tôi phải mất gần 25 năm mới thành công với tượng ngọc trai. Lượng trai dùng vào thử nghiệm lên đến gần 2 tấn và nó cũng tiêu tốn của tôi hàng chục triệu đồng", nông dân Hướng cho hay.
Hiện, ông sở hữu gần 30 tượng Phật Bồ Tát, Phật Di Lặc, Chúa Giêsu... bằng ngọc trai. Các sản phẩm ngọc "không đụng hàng" của nông dân Hướng đã được trao giải 3 "Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2013".
Theo lời nông dân này, năm 1990, huyện Tân Phú tổ chức các buổi tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai nước ngọt. Ông Hướng không có cơ hội tham gia nhưng "máu" với nghề lạ nên đã mượn tài liệu và nhờ những người tham gia tập huấn chia sẻ kinh nghiệm. Các kỹ thuật cấy nhân vào miệng trai để lấy hạt tròn không mang lại hiệu quả nên nhiều nông dân bỏ cuộc. Ông kể: "Tôi chuẩn bị bỏ nghề thì vô tình phát hiện trong vỏ trai xuất hiện chiếc đinh đã được trai nhả ngọc bọc kín. Từ đó, tôi lao vào tìm tòi và nung nấu tạo ngọc với phương pháp đặc biệt".
Kể từ đó, ông biến hồ nuôi cá gần 1 ha của nhà mình thành ao nuôi trai. Hàng ngày, ông đến các chợ trên địa bàn tìm mua những con trai to mang về thả để phục vụ nghiên cứu. Song, do đặt các vật thể lạ, kích cỡ lớn vào miệng nên trai chết hàng loạt. Không chịu chùn bước, nông dân Hướng tiến hành nghiên cứu lại vỏ trai có chiếc đinh ngọc và hiểu ra nguyên lý tạo ngọc đặc biệt.
Theo ông Hướng, khi vật thể lạ lọt vào trong thân, trai sẽ nhả ra các lớp xà cừ bao bọc vật này không bị ảnh hướng đến sức khỏe trai. Hơn nữa, nếu vỏ trai bị thủng nhẹ, trai sẽ nhả xà cừ để tái tạo vỏ.
Sau khi nghiên cứu vỏ và chiếc đinh ngọc, ông Hướng chọn những con trai to nhất rồi đục vỏ và cho các vật thể lạ vào trong. "Nếu phần vỏ bị đục quá rộng hoặc vết đục làm rách phần thịt phía trong thì trai sẽ chết ngay tức khắc. Do vậy, cần phải tiến hành công việc đục vỏ một cách tỉ mỉ", nông dân có biệt tài làm ngọc trai lạ thổ lộ kinh nghiệm.
Sau khi đục vỏ, nông dân Hướng sẽ cho các vật có hình thù theo ý muốn vào trong và dùng nilon, nhựa bịt kín ở ngoài. Sau thời gian từ 1 đến 2 năm, trai sẽ nhả xà cừ bao bọc kín vật lạ. Ông Hướng đúc tượng Phật Quan âm, Di Lặc, tượng Chúa... bằng xi măng rồi cho vào thân trai nên khi thu hoạch thì được các sản phẩm có hình thù tương ứng. Trai có trọng lượng từ 0,3 đến 0,5 kg sẽ được đục vỏ hai bên thân và cấy ít nhất 2 mẫu vật để tạo ngọc.
Quá trình trai nhả xà cừ bao bọc mẫu vật sẽ diễn ra liên tiếp theo thời gian. Nếu thu hoạch sớm, ngọc sẽ hiện rõ đường nét nhưng mỏng, dễ vỡ. Nếu để quá lâu, xà cừ bao bọc nhiều nhưng đường nét bị mờ, không hiệu quả. Do vậy, để đạt hiệu quả cao nhất, sau 2 năm cấy ngọc nông dân Hướng sẽ thu hoạch.
Các sản phẩm ngọc trai lạ của lão nông 71 tuổi được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, ông chưa xuất bán và đang tiếp tục tạo hàng trăm sản phẩm khác. "Tôi đang đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tạo thương hiệu riêng biệt. Hơn nữa, tôi cũng đang tìm cách tạo các sản phẩm ngọc trai ngũ sắc nên chưa muốn tung ra thị trường vội", ông cho hay.
Hiện, ông Phạm Văn Hướng đang cố gắng làm thêm nhiều sản phẩm và muốn kết hợp với những người trẻ, có tâm huyết để cùng thực hiện sản phẩm độc đáo . "Tôi nhiều tuổi, trong khi các con tôi không mặn mà với nghề nên tôi muốn kết hợp với những ai có đam mê, có nhiệt huyết để cùng làm, cùng tạo thương hiệu", người nông dân mở lòng.
Ngọc An (Zing News)