Th06 15

Diễn đàn về phương thức hỗ trợ kinh phí thương mại hoá công nghệ của Malaysia

Địa điểm: Hải Phòng

Thời gian: 15/06/2013 - 15/06/2013

Ngày 13/06/2013 tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã phối hợp với Tập đoàn Phát triển công nghệ Malaysia (Malaysia Technology Development Corporation - MTDC) thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia tổ chức "Diễn đàn về phương thức hỗ trợ kinh phí thương mại hoá công nghệ của Malaysia", nhằm học tập kinh nghiệm của nước ngoài về phương thức hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động đổi mới công nghệ và thương mại hoá công nghệ.
 

 
Tham dự Diễn đàn có Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; Bà Zaharia Zabidin - Phó Chủ tịch, Giám đốc Văn phòng MTDC; Ông Noor Amal Morad, Phó chủ tịch, Phụ trách lĩnh vực tư vấn kinh doanh MTDC.
Sau phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã giới thiệu chung về MTDC, đây là một nhà cung cấp giải pháp tích hợp đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới xây dựng những công ty công nghệ Malaysia đẳng cấp thế giới thông qua quan hệ đối tác chiến lược. Tập đoàn được Chính Phủ hợp nhất ngày 10 tháng 3 năm 1992. Trước đây, Tập đoàn được đặt dưới sự quản lý của Bộ Công nghiệp thương mại Malaysia (MITI) trước khi chuyển sang cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (MOSTI). Việc thành lập được khởi xướng bởi Hội đồng quốc gia về Nghiên cứu và phát triển khoa học.
Mục tiêu chính của việc thành lập MTDC là để xúc tiến giao dịch công nghệ thông qua: Thương mại hoá các kết quả nghiên cứu địa phương; giới thiệu chiến lược công nghệ tới các nước; sản xuất các sản phẩm rộng rãi sử dụng như đầu vào công nghiệp.
Để hiểu rõ hơn về chuyển giao công nghệ và thương mại hoá, đại diện của MTDC, bà Zaharia Zabidin đã chia sẻ kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển của họ. Bà Zaharia Zabidin cho biết, để hỗ trợ thương mại công nghệ thì Tập đoàn đã có những chức năng tích hợp như: Quỹ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và phát triển (CRDF), đây là quỹ dành cho các hoạt động thương mại hoá các công nghệ được phát triển ở địa phương do các công ty Malaysia triển khai. Các công nghệ được phát triển bởi các khu vực công hoặc là đầu ra của các hoạt động nghiên cứu và phát triển từ các công ty. Với quỹ này, thương mại hoá được hướng tới quy trình chuyển hoá các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm hàng hoá và được sản xuất thương mại. Bên cạnh đó còn có quỹ mua lại công nghệ (TAF), để tạo điều kiện cho các công ty Malaysia trong việc mua các công nghệ nước ngoài để có thể đưa vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các công ty có thể tránh được quá trình phát triển công nghệ rất tốn kém, mạo hiểm. Ngoài ra còn có Quỹ hỗ trợ cho các công ty mới khởi nghiệp, bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh, những công ty đang phát triển: Business start-up Fund (BST); Business Growth Fund (BGT).
Về việc ươm tạo và nuôi dưỡng công nghệ thì Tập đoàn MTDC đã tăng cường và nâng cao hợp tác mạng lưới chiến lược giữa các ngành và viện nghiên cứu và tạo thành các công ty nền tảng doanh nghiệp. Quá trình phát triển trong 20 năm của MTDC đã có những thành công như: có 280 hoạt động tham gia thương mại hoá công nghệ; 218 công nghệ nước ngoài đã được mua; 298 công ty nền tảng khoa học được ươm tạo từ Tập đoàn MTDC từ năm 1997; 7 công ty được đầu tư từ MTDC được niêm yết trên sàn chứng khoán của Kualalampua; 49 công ty được thành lập bởi MTDC, vốn tách ra từ các trường đại học từ năm 2005; 4000 cá nhân tham gia trực tiếp vào đào tạo thương mại hoá, khởi nghiệp công nghệ từ năm 2005; 248 quyền sở hữu trí tuệ từ quỹ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu (CRDF) và phát triển và quỹ mua lại công nghệ (TAF)…
Tại diễn đàn ông Noor Amal Morad, Phó chủ tịch, Phụ trách lĩnh vực tư vấn kinh doanh của Tập đoàn đã giới thiệu về các chương trình hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực của Malaysia. Cụ thể ông đã giới thiệu chương trình "Symbiosis Progmme" đây là chương trình hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực. Chương trình Symbiosis nhận sinh viên từ các trường đại học có tư duy về kinh doanh, đây là một phần của thương mại hoá kết quả nghiên cứu phát triển để đưa ra thị trường. Từ năm 2005 cho đến nay thì đã có 180 sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này.
Qua diễn đàn này, phía Malaysia cũng mong rằng sẽ có thêm những mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa với Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN.

Nguồn: "Cục Thông tin KH&CN", 15/6/2013

Quảng cáo