Mới đây, theo nghiên cứu của các nhà vật lý ở Valencia, Tây Ban Nha thì hố đen có thể là cánh cửa dẫn đến vũ trụ khác.
Trước đây, các nhà khoa học đã cho rằng, bất cứ thứ gì khi lọt vào hố đen, chúng sẽ bị phá hủy hoàn toàn, do đó sẽ không bao giờ có cách nào để đưa vật thể đi qua hố đen. Nhưng nghiên cứu mới này cho thấy hố đen có thể hoạt động giống như một cánh cửa hay đường hầm dẫn đến một vũ trụ khác. Bất cứ thứ gì khi đi qua hố đen sẽ bị kéo căng đến cực hạn, nhưng sẽ trở về kích thước bình thường khi xuất hiện ở một khu vực khác của vũ trụ.
Các nhà vật lý thuộc Đại học Valencia, Tây Ban Nha đã đưa ra giả thuyết rằng, khi rơi vào lỗ đen, mọi thứ sẽ bị kéo dài ra tới vô hạn như sợi mì ống. Sau đó, vật thể đó sẽ co lại về kích thước ban đầu khi ra tới đầu bên kia. Vật chất bên trong hố đen sẽ không biến mất mãi mãi như quan niệm trước đây, thay vào đó chúng bị trục xuất tới một khu vực khác của vũ trụ.
Theo nghiên cứu của các nhà vật lý ở Valencia, Tây Ban Nha thì hố đen có thể là cánh cửa dẫn đến vụ trụ khác. Bất cứ thứ gì khi đi qua hố đen sẽ bị kéo căng đến cực hạn, nhưng sẽ trở về kích thước bình thường khi xuất hiện ở một khu vực khác của vũ trụ.
Để kiểm tra ý tưởng này, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp thông thường nhất. Họ sử dụng các cấu trúc hình học tương tự như của một tinh thể graphene bởi nó đảm bảo phù hợp với các hoạt động bên trong hố đen.
Giả thuyết này đã bác bỏ quan điểm cho rằng, ở tâm của lỗ đen là một điểm vô hạn, được gọi là “điểm kỳ dị”. Tại điểm kỳ dị này, mọi thứ sẽ bị phá hủy. Thay vào đó, giả thiết mới của các nhà vật lý ở Valencia cho rằng tâm của lỗ đen là một bề mặt hình cầu nhỏ, không quay và tích điện. Điểm hình cầu đó đóng vai trò như một lỗ sâu (wormhole) - một cánh cửa ra vào hoặc đường hầm xuyên qua không - thời gian.
TS Gonzalo Olmo, đến từ Đại học Valencia tại Tây Ban Nha cho biết: “Giả thuyết của chúng tôi giúp giải quyết một số vấn đề trong cách nhìn nhận hố đen tích điện. Đầu tiên, chúng tôi lý giải về điểm kỳ dị. Có một cánh cửa ở trung tâm của hố đen tên là lỗ sâu mà thông qua nó, không gian và thời gian có thể tiếp diễn”, Olmo giải thích.
Vật chất bên trong hố đen sẽ không biến mất mãi mãi
như quan niệm trước đây, thay vào đó chúng bị trục xuất
tới một khu vực khác của vũ trụ
Dựa trên các phương trình toán học gọi là chân trời sự kiện, nhóm nghiên cứu dự đoán lỗ sâu nhỏ hơn một hạt nhân nguyên tử, nhưng tăng dần kích thước tương ứng với điện tích lưu trữ bên trong hố đen. Vì vậy, khi bất cứ một vật chất nào rơi vào lỗ đen sẽ bị kéo dài đủ mỏng để tiến vào lỗ sâu, giống như một sợi chỉ luồn qua lỗ kim. Sau đó, vật chất sẽ khôi phục hình dáng khi xuất hiện ở đầu bên kia lỗ sâu.
Theo lý thuyết hấp dẫn của Albert Einstein, một lỗ sâu chỉ có thể xuất hiện khi có sự hiện diện của vật chất lạ chưa từng được quan sát trước đó, với những đặc tính khác thường như năng lượng âm. TS Olmo cho biết, lỗ sâu có thể hình thành từ vật chất và năng lượng thông thường như điện trường.
Nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Classical and Quantum Gravity.
Lỗ đen (hố đen hay hốc đen) là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức có thể ngăn cản mọi thứ, gồm cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Hố đen tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, từ những vật thể vũ trụ có khối lượng chỉ cỡ ngôi sao cho tới những “quái vật” có khối lượng siêu lớn nằm ở trung tâm của các dải thiên hà. Xung quanh lỗ đen là một mặt xác định bởi phương trình toán học gọi là chân trời sự kiện, mà tại đó khi vật chất vượt qua nó sẽ không thể thoát ra ngoài lỗ đen được.