Trong hai ngày 21 - 22/9, Ngày Hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023 (AI4VN 2023) đã được tổ chức tại TPHCM với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo – Sức mạnh cho cuộc sống".
Sự kiện do Bộ KH&CN chỉ đạo, báo điện tử VnExpress phối hợp với Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU) tổ chức, nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ công nghệ mới về AI, tiềm năng ứng dụng, kiến nghị giải pháp để phát triển công nghệ AI cho Việt Nam.
AI – Công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, AI đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0. Gần đây, AI đã cho thấy sự phát triển vượt bậc, có nhiều sản phẩm, ứng dụng dựa trên công nghệ AI ra đời và thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là các sản phẩm AI tạo sinh.
Theo Bộ trưởng, sau hơn hai năm triển khai Chiến lược AI, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về Trí tuệ nhân tạo của chính phủ” do Tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2022 Việt Nam đứng thứ 55 trong 181 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2021. Có nhiều sản phẩm dựa trên AI đã được ứng dụng trong cuộc sống. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho AI và đã từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ AI.
Bộ trưởng cho biết thêm, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0”, đặt mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc AI4VN 2023. Ảnh: HA
Sau 5 năm triển khai, Bộ trưởng đánh giá AI4VN đã trở thành một sự kiện công nghệ thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan quản lý, tập đoàn công nghệ, tổ chức KH&CN, các nhà khoa học, cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo Việt Nam. Bộ KH&CN tin tưởng rằng, sẽ có nhiều kết quả nghiên cứu, sản phẩm ứng dụng AI giới thiệu tại sự kiện này được kết nối, được cộng đồng đón nhận và ứng dụng vào thực tiễn.
Trong khi đó, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM được định hướng để phát triển thành một đại học hàng đầu châu Á, trong đó công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, AI là ba mũi nhọn.
Theo ông Quân, tổng quy mô các khối ngành đào tạo của các trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM liên quan đến AI như công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông,… có khoảng 6.000 sinh viên đại học, 1.000 học viên cao học, đội ngũ giảng dạy có khoảng 300 giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.
Với tiềm lực nói trên, Đại học Quốc gia TPHCM mong muốn được đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực AI chất lượng cao cho TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ và cả nước nói chung.
Việt Nam có cần làm chủ AI tạo sinh?
Theo TS Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata, cho biết, AI tạo sinh là một dạng AI, có khả năng tạo ra nội dung và ý tưởng mới ở nhiều hình thái khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc,... AI tạo sinh đóng góp từ 2.600 - 4.400 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu mỗi năm. TS Minh cho rằng, nếu doanh nghiệp tự chủ công nghệ lõi AI tạo sinh, sẽ thúc đẩy kinh doanh và vận hành, đảm bảo an toàn dữ liệu.
Ông Yang Ki Sung, Tham tán Khoa học, Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đánh giá sự phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn, AI tạo sinh mở ra thời kỳ mới, giúp tạo trải nghiệm liền mạch trong mọi mặt đời sống, đồng thời tác động, rút ngắn thời gian làm việc, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất.
PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký FISU thì cho rằng, AI tạo sinh đang là xu thế nóng hiện nay, Việt Nam không phải là ngoài lệ. Mặc dù nghiên cứu AI tạo sinh đã có từ nhiều năm trước, sự bùng nổ thực sự diễn ra khi các ứng dụng AI tạo sinh dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn như chat GPT ra đời. Đây cũng là chủ đề ứng dụng mới cần có sự tìm hiểu và định hướng đúng đắn, trên cơ sở tiếp thu thành tựu mới nhất cho phù hợp với điều kiện trong nước.