Airbus thử nghiệm thành công công nghệ bay tự động toàn hành trình
31/07/2020
143 Lượt xem
Thông thường, các máy bay hiện nay có thể tự hành sau khi đã cất cánh nhờ vào chế độ autopilot (lái tự động). Nhờ đó, các phi công có thể nghỉ ngơi hầu hết thời gian ở trên không. Tuy vậy, Airbus đã phát triển tính năng trên lên một bậc mới sau khi chứng minh máy bay thương mại có thể thực hiện các thao tác phức tạp mà không cần can thiệp của phi công.
Airbus vừa hoàn thành chuyến bay thử nghiệm chế độ lăn bánh, cất cánh và hạ cánh tự động vào tháng 6 sau khi máy bay của hãng đã có thể tự điều chỉnh từng giai đoạn bay mà không cần đến phi công.
Hơn 500 chuyến bay đã được thực hiện thành công với dòng máy bay Airbus A350-1000 XWB, qua đó ứng dụng thành công "công nghệ nhận diện hình ảnh" lên máy bay. Airbus cho biết công nghệ này tích hợp với camera bên ngoài A350 cho phép máy bay tự thiết lập toàn bộ quá trình bay.
Cột mốc đầu tiên trong dự án này là hồi tháng 12 năm ngoái khi Airbus thông báo thử nghiệm thành công chế độ cất cánh tự động tại sân bay Toulouse-Blagnac (Pháp). Điều duy nhất phi công cần làm trong thử nghiệm là cho máy bay vào đúng vị trí trên đường băng và ngồi xem chiếc máy bay tự tăng tốc rồi cất cánh.
Airbus còn cho biết máy bay của hãng cũng có thể tự hạ cánh và lăn bánh. Giờ đây, cánh cửa cho một chuyến bay hoàn toàn tự động đã mở ra.
Và đây là cách mà Airbus đã hiện thực hóa nó.
Lắp đặt một cặp mắt cho máy bay
Theo Airbus, hãng đã bắt đầu chương trình bay thử nghiệm từ năm 2018, dự án này có tên Autonomous Taxi, Take-off, and Landing (ATTOL). Airbus A350-1000 XWB, một trong những dòng máy bay mới nhất, được lựa chọn thử nghiệm cho dự án nhờ một số công nghệ tiên tiến và tính năng hiện đại tích hợp sẵn.
Chương trình này phụ thuộc phần lớn vào các camera gắn ở đuôi và bộ phận hạ cánh của A350, chúng được phi công sử dụng để hỗ trợ di chuyển máy bay trên mặt đất. Thậm chí cả hành khách cũng có thể truy cập các camera này để xem hình ảnh cất cánh và hạ cánh, đây là một dịch vụ tiêu chuẩn trong gói chương trình TV và phim ảnh trên máy bay.
Airbus kết nối hệ thống camera với công nghệ mới của hãng để biến chúng thành cặp mắt của máy bay, cho phép chúng nhìn thấy đường băng và đường lăn bánh.
Thử nghiệm đầu tiên được tiến hành từ tháng 12 với chế độ cất cánh tự động bằng công nghệ mới này. Phi công chỉ việc đưa máy bay vào đúng vị trí trên đường băng và sau đó chiếc máy bay sẽ tự vận hành giai đoạn cất cánh gồm điều hướng, tăng tốc và xác định điểm cất cánh phù hợp.
Tất cả các yếu tố tác động, như tốc độ gió, có thể làm máy bay lệch hướng khi cất cánh và phi công phải điều chỉnh lại hướng bay khi xảy ra hiện tượng đó. Tuy nhiên, công nghệ mới hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình.
Tự học cách hạ cánh và vào đường lăn
Sau khi đã cất cánh xong, đây là khoảng thời gian để dạy cho máy bay các hạ cánh. Hầu như tất cả các máy bay chở khách đều có thể hạ cánh ở mức tự động hóa khá cao nhờ vào GPS và sóng vô tuyến cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trong thử nghiệm này, máy bay phải tự làm tất cả mọi thao tác mà không phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng khác.
Airbus nhận định dự án đã thành công sau khi 500 chuyến bay được thực hiện để thu thập dữ liệu và chứng minh tính khả thi của công nghệ này.
Airbus cũng đã thử nghiệm thành công khả năng tự động lăn bánh, đây là giai đoạn khó do phần đường lăn bánh khó nhận diện hơn đường băng cất/hạ cánh. Giai đoạn lăn bánh luôn được phi công chịu trách nhiệm thực hiện do tính phức tạp của nó dù diễn ra trên mặt đất.
Công nghệ mới này có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong cách các hãng hàng không khai thác máy bay của mình, đặc biệt là đối với dòng A350 đang được sử dụng rộng rãi và nằm trong đội tàu bay của vô số hãng hàng không trên toàn thế giới.
Các nhà sản xuất máy bay đã đẩy mạnh phát triển công nghệ tự động không chỉ trên máy bay thương mại mà còn cả trên lĩnh vực quân sự. Chiếc máy bay Airbus A310 MRTT đã trở thành chiếc máy bay đầu tiên có thể tiếp nhiên liệu trên không hoàn toàn tự động trên biển Đại Tây Dương hồi tháng 4.
Đây là đòn giáng mạnh vào dòng máy bay Boeing KC-46 Pegasus được chính phủ Mỹ lựa chọn làm máy bay tiếp chiên liệu cho không quân thay vì Airbus A310 MRTT.
Với máy bay thương mại, Airbus khẳng định công nghệ sẽ không thay thế hoàn toàn phi công trong buồng lái. Tuy nhiên, nó sẽ giúp các chuyến bay an toàn hơn bằng cách giảm khối lượng công việc của phi công.