Bia từ nước tiểu, nước lọc từ nước thải: Nhiều người uống ngon lành
30/05/2018
138 Lượt xem
Cô bé nhăn mặt, bịt mũi còn bà mẹ thì nhìn một cách ngờ vực: con gái bà chuẩn bị uống nước từ một cái chai có dòng chữ: nước tinh khiết, nhưng được chế biến từ nước thải của nhà vệ sinh và các loại nước thải khác. Cuối cùng cô bé cũng uống và nhận xét hết sức nhẹ nhõm: “Chẳng có mùi vị gì cả”.
Singapore: 55% nước sạch từ nước thải
Tiểu quốc Singapore là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chế biến nước thải thành nước ăn. Hệ thống nhà máy nước quốc doanh của Singapore PUB đề ra câu khẩu hiệu “mỗi giọt nước cần phải được sử dụng nhiều hơn một lần”.
Khi nước tái chế mới xuất hiện, ông Goh Chok Tong, khi đó là Thủ tướng,
đã dùng trước để nêu gương. Ảnh: IT
Thực tế, 50 năm trước, Singapore đã phải hạn chế dùng nước sạch. Nước từ các con sông thì có mùi và bị tắc nghẽn bởi chất thải từ xưởng đóng tàu, các trang trại lợn và nhà vệ sinh đổ trực tiếp vào dòng chảy.
Từ đó, Singapore đã có chính sách sử dụng nước hoàn toàn mới. Họ thu thập nước mưa từ 2/3 diện tích đất đai, tái chế nước thải thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất.
Dự án NEWater thực sự là cứu cánh trong vấn đề nước sạch ở Singapore. Ảnh IT
Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu. Đây là tên của nguồn nước sạch được xử lý và thanh lọc bằng bộ vi lọc, bằng bộ thẩm thấu và được khử trùng bằng tia cực tím.
Hiện, một phần ba lượng nước thải của 5,7 triệu dân Singapore hiện đã được tái chế. Nước thải từ các khu dân cư chảy qua một hệ thống đường ngầm dài 48km đến nhà máy chế biến nước thải. Tại đây, nước được đi qua một màng lọc cực nhỏ (microfilter) và các màng mỏng (membrane) sau đó chiếu tia cực tím.
Hướng dẫn viên ở Trung tâm khách hàng NEWater giới thiệu quá trình này qua sự so sánh như sau: “Ví thử phân tử nước chui qua màng mỏng to bằng quả bóng quần vợt, thì một hormon estrogen to như quả bóng đá, một virus to kềnh như cái xe ô tô tải và một con vi trùng to đùng như toà nhà. Tất cả những thứ đó không thể chui qua những tấm màng mỏng membrane.”Singapore định hướng dự án NEWater sẽ đáp ứng 55% nhu cầu nước sạch của quốc gia vào năm 2060. Singapore hiện đang xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, 3 tỷ người trên thế giới sẽ thiếu nước sạch vào năm 2025. Bởi vậy, tìm kiếm nguồn nước sạch đang trở thành vấn đề cấp thiết trên toàn cầu.
Bắt đầu manh nha ở Việt Nam
Ở Việt Nam, dự án tái sử dụng nước thải công nghiệp đã qua xử lý, thông qua hệ thống màng lọc trở thành nước sạch phục vụ ăn uống, sinh hoạt và sản xuất công nghiệp được đưa vào triển khai tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng (thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam) do Cty Cổ phần Giải pháp Công nghệ tái tạo là chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam biến nước thải công nghiệp thành nước ăn uống.
Ông Cao Minh Ngọc (bên trái) uống nước sau khi được xử lý lọc từ nước thải. Ảnh IT
Giám đốc Cty CP Giải pháp Công nghệ tái tạo Cao Minh Ngọc cho biết, về quy mô thì đây chưa phải là một nhà máy tái chế nước sạch với công suất lớn, nhưng Nhà máy này sẽ giúp cho KCN Tam Thăng đảm bảo vòng tuần hoàn về nước, nước sau khi qua xử lý đạt tiêu chuẩn để thải ra môi trường thì thay vào đó sẽ được thu hồi lại, thông qua xử lý để cấp lại cho các hoạt động sản xuất tại KCN.
Như vậy đảm bảo được hai mục đích, thứ nhất là bảo vệ môi trường bền vững; thứ hai là tạo ra sự an toàn về cấp nước và tiết kiệm nước cho KCN.Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp bằng màng lọc tại KCN Tam Thăng được áp dụng theo công nghệ của Mỹ.
Để đảm bảo tính thực tiễn của sản phẩm nước sau khi được xử lý để tái sử dụng, trước khi đi vào đầu tư dự án này Cty Giải pháp Công nghệ tái tạo đã thử nghiệm bằng một hệ thống thiết bị có công suất 5m3/ngày, lấy nước thải của KCN và chạy thử thì nước đã uống được và sau khi phân tích tại các trung tâm quan trắc môi trường đã đạt tiêu chuẩn 01 Bộ Y tế cho nước ăn uống.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại ở Việt Nam chưa có dự án nào tương tự như thế này tính phổ biến chưa cao, nên trước hết ở giai đoạn đầu sản phẩm nước của Nhà máy sẽ được dùng để phục vụ sản xuất tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Khi dự án đi vào hoạt động, đánh giá được những kết quả tích cực mang lại thì Cty sẽ nhân rộng ra các KCN trên toàn quốc.
Biến nước tiểu thành... bia ở Đan Mạch
Đan Mạch kêu gọi các quý ông "tiết kiệm" nước tiểu để tưới cho đồng lúa mạch, t
ừ đó sản xuất ra bia. Ảnh IT
Các đây không lâu, ban tổ chức một lễ hội âm nhạc ở Đan Mạch đã vận động mọi người đóng góp nước tiểu để tưới cho cây lúa mạch, nguyên liệu chính trong sản xuất bia. Khi đọc tấm pano với dòng chữ "Đừng lãng phí nước tiểu của bạn. Nông dân có thể biến nó thành bia", những người tham gia lễ hội đều háo hức đợi tới lượt tiểu tiện vào một máng kim loại. Nước tiểu của họ chảy tới một bể chứa được thiết kế đặc biệt trước khi người ta đưa nó tới những cánh đồng gần đó để tưới cho những cây lúa mạch.
"Biến nước tiểu thành bia Pilsner (một loại bia ngon khá nổi tiếng)" là một sáng kiến của ban tổ chức Roskilde – lễ hội âm nhạc lớn nhất châu Âu – phát động tại thành phố Zealand, Đan Mạch. Các nhà tổ chức thu thập 25.000 lít nước tiểu từ hơn 100.000 người tham gia lễ hội.
Theo kế hoạch, những người tham gia lễ hội âm nhạc Roskilde năm nay sẽ có cơ hội thưởng thức bia từ lúa mạch được tưới bởi chính nước tiểu của họ. "Đây là cách tiếp cận mới đối với chất thải, biến nước tiểu từ một gánh nặng với xã hội thành nguồn nguyên liệu có giá trị," Lief Nielsen, nhà nghiên cứu của Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch (DAFC) đánh giá.
Thực chất nước tiểu không hề là "chất thải" như nhiều người vẫn nghĩ mà nó có những công dụng đặc biệt được khoa học chứng minh. Ví dụ như nước tiểu tái chế chính là đồ uống chính của các phi hành gia, là giải pháp chống ô nhiễm môi trường vì chúng hấp thụ CO2 rất tốt, nhiên liệu cho tên lửa, tái tạo tế bào thần kinh...