Cách làm của Hàn Quốc để các bệnh viện không trở thành ổ lây lan dịch Covid-19
19/08/2020
89 Lượt xem
Hàn Quốc đã ghi nhận trên 12.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 280 ca tử vong tại thời điểm những ngày cuối tháng 6/2020. Hàn Quốc đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có các giải pháp để bệnh viện không trở thành ổ lây lan dịch COVID-19, hai giải pháp chính đó là: (1) Chuyển đổi chức năng một số bệnh viện trở thành Bệnh viện và trung tâm cấp cứu chuyên điều trị COVID-19, và (2) Chia tách bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp (Respiratory care split hospital).
Bệnh viện chuyên điều trị COVID-19
Bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 là bệnh viện chỉ tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Tại Hàn Quốc, phần lớn là các bệnh viện công và một số bệnh viện tư nhân tuyến hai và tuyến ba được đưa vào loại hình này.
Tổng cộng có 67 bệnh viện với hơn 7.000 giường bệnh đã trở thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19.
Các bệnh viện này đã được cải tạo để đảm bảo có phòng cách ly áp lực âm, buồng vận chuyển áp lực âm, phòng chờ, có vách ngăn và đủ không gian giữa các giường bệnh.
Thông thường, các bệnh viện này sẽ điều trị cho bệnh nhân trung bình đến nặng tùy thuộc vào khả năng của mỗi cơ sở.
Ví dụ, Bệnh viện Dongsan ở Daegu, một điểm nóng của COVID-19 tại Hàn Quốc, có hơn 400 giường để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19, chủ yếu là nặng và nguy kịch. Nếu số lượng nhân viên y tế và nguồn lực của bệnh viện không đủ, Chính phủ sẽ biệt phái nhân viên từ các bệnh viện khác đến hỗ trợ.
Trung tâm cấp cứu chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng là những trung tâm dành cho các bệnh nhân nặng nghi nhiễm COVID-19 cần được điều trị khẩn cấp.
Ở Hàn Quốc, hầu hết bệnh nhân COVID-19 được chẩn đoán tại các điểm sàng lọc COVID-19, hiện có hơn 600 điểm sàng lọc.
Việc tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận vào các điểm sàng lọc COVID-19 đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ được chẩn đoán sớm và được điều trị sớm, giảm thiểu nguy cơ người bệnh COVID-19 phải đến các trung tâm cấp cứu.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, người bệnh COVID-19 vẫn có thể đột ngột xấu đi trước khi nhập viện.
Các trung tâm cấp cứu chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng thường là các khoa cấp cứu của các bệnh viện tuyến ba (tuyến cuối) có phòng cách ly áp lực âm.
Thông qua việc chuyển đổi chức năng các bệnh viện và trung tâm cấp cứu chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19, bệnh nhân COVID-19 sẽ được chăm sóc tập trung hơn, các chuyên gia y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân sẽ được phân bổ hợp lý hơn để giải quyết ổ dịch.
Ngoài ra, các bệnh viện khác vẫn tiếp tục hoạt động chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh khác và các tình huống khẩn cấp khác.
Chia tách bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân hô hấp (Respiratory care split hospital)
Trong đợt bùng phát dịch MERS năm 2015 tại Hàn Quốc, có từ 40% - 90% các trường hợp liên quan đến nhiễm trùng bệnh viện, và hiện tượng siêu lây lan đã được báo cáo tại các bệnh viện. Mặc dù số lượng người bệnh bị COVID-19 do nhiễm trùng bệnh viện ở Hàn Quốc vẫn chưa được báo cáo, tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện đã tăng lên 4,7% được ghi nhận ở một số báo cáo, đặc biệt do thiếu nguồn lực của bệnh viện, như ở Trung Quốc.
Chia tách bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân hô hấp với mục đích là tách biệt các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp ra khỏi bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp ngay từ lần khám đầu tiên cho đến suốt thời gian nằm viện.
Mục đích của loại hình bệnh viện này là để hạn chế sự tiếp xúc không cần thiết giữa các bệnh nhân hô hấp có thể đã mắc COVID-19 và các bệnh nhân khác để giảm thiểu việc lây nhiễm COVID-19 trong môi trường bệnh viện.
Ngoài ra, những bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp có thể được điều trị đúng cách đối với các bệnh của họ mà ít lo ngại về việc rủi ro tiếp xúc với người bệnh COVID-19 trong bệnh viện.
Theo cách này, bệnh viện phải bố trí lối vào và vị trí của phòng khám ngoại trú bệnh hô hấp tách biệt hẳn với lối vào chính của bệnh viện, và các tuyến vận chuyển của bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp cũng phải tách biệt với các bệnh nhân khác.
Nếu bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19 (dựa trên các triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ của họ), trước tiên họ được gửi đến các điểm sàng lọc COVID-19 và sau đó là bệnh viện chuyên điều trị COVID-19, không phải khoa khám bệnh hoặc khoa điều trị nội trú của loại hình bệnh viện chia tách này.
Trong số khoảng 3.600 bệnh viện trên toàn quốc tại Hàn Quốc, có hơn 300 bệnh viện đã định hình lại cơ sở hạ tầng để hoạt động theo mô hình bệnh viện chia tách để chăm sóc bệnh nhân hô hấp trong đợt bùng phát COVID-19.
Cô lập bệnh nhân hô hấp trong toàn bộ quá trình có nghĩa là các khu vực còn lại có thể được bảo vệ khỏi sự tiếp xúc bất ngờ với COVID-19. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, người bệnh bị nhiễm COVID-19 do nhiễm trùng bệnh viện đôi khi vẫn bất ngờ xảy ra.
(Tài liệu tham khảo: “Repurposing and reshaping of hospitals during the COVID-19 outbreak in South Korea”, One Health, Volume 10)