Cần thành lập một số ủy ban khuyến nghị chính sách khoa học
09/11/2017
125 Lượt xem
Từ kinh nghiệm hạn chế của tôi trong việc thẩm định các dự án nghiên cứu Nafosted về vật lý hạt nhân và vật lý hạt, tôi xin có một số ý kiến gửi gắm tới các nhà hoạch định chính sách khoa học Việt Nam ở tầm trách nhiệm cao hơn nhằm cải thiện công tác quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước.
Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y học. Ảnh: Vinmec.
Theo tôi, lĩnh vực nghiên cứu của Việt Nam mà tôi quen thuộc nhất là vật lý hạt nhân, vật lý hạt và vật lý thiên văn, hiện đang bị hạn chế do thiếu một chính sách rõ ràng và thiếu tầm nhìn hướng tới tương lai. Điều này thể hiện khá rõ trong:
Giáo trình giảng dạy vật lý hạt nhân đã không được cập nhật gì nhiều so với những gì tôi học về vật lý hạt nhân cách đây sáu mươi năm, trong khi tình hình chung của ngành ngày nay đã hoàn toàn thay đổi: với sự ra đời của thuyết sắc động lực học lượng tử (QCD), ngành vật lý thiên văn lên ngôi, các chùm phóng xạ trở nên sẵn có, và cuộc cách mạng trong ứng dụng hạt nhân, cụ thể là năng lượng hạt nhân và ứng dụng hạt nhân trong lĩnh vực y học… đã thúc đẩy mạnh mẽ động lực giảng dạy vật lý hạt nhân; tuy nhiên ở Việt Nam phần lớn những điều này chưa được quan tâm.
Trong ngành vật lý hạt, một nỗ lực đáng ghi nhận là đã xây dựng được một nhóm nghiên cứu tại Viện Vật lý ở Hà Nội, với một môi trường nghiên cứu hiệu quả. Chúng ta nên khuyến khích và ủng hộ việc hình thành những nhóm nghiên cứu tương tự khác. Tuy nhiên, trong ngành vật lý hạt thực nghiệm, dù trong khoảng hơn 20 năm chúng ta không ngừng gửi học viên đi làm nghiên cứu sinh tiến sỹ ở nước ngoài nhưng chúng ta hầu như chưa thu được mấy kết quả từ khoản đầu tư quan trọng này, cũng như chưa phát huy tri thức và kinh nghiệm mà những học viên này tích lũy được. Đáng ra, với tiềm lực như vậy, chúng ta có thể xây dựng một nhóm nghiên cứu giỏi [người Việt Nam] để hợp tác tiến hành các thí nghiệm vật lý hạt tại Nhật Bản, Trung Quốc, hay CERN, nơi các máy gia tốc hiện đại nhất đang hoạt động.
Vật lý thiên văn, hiện là lĩnh vực tiên phong và đang được tích cực phát triển ở đa số các quốc gia, nhưng về cơ bản đang không được quan tâm ở Việt Nam.
Với từng lĩnh vực như vậy, chúng ta cần đánh giá thực trạng để cân nhắc kế hoạch phát triển khả thi trong những năm tới, ví dụ như một kế hoạch phát triển trong mười năm cùng tầm nhìn hai mươi năm tới. Cũng từ đánh giá này sẽ cho thấy: cần nỗ lực mạnh mẽ để hỗ trợ việc hình thành các nhóm nghiên cứu, thay vì như tình trạng hiện nay các cá nhân tài năng phân tán rải rác; cần xây dựng một số trung tâm xuất sắc để thu hút các sinh viên Việt Nam và mời những nhà nghiên cứu Việt kiều giỏi nhất về nước làm việc (điều tương tự đã thành công ở Trung Quốc cách đây khoảng 20 năm); việc gửi học viên ra nước ngoài là lãng phí tiền bạc và chất xám nếu không tạo điều kiện phù hợp cho họ tiếp tục phát triển khi về nước (ngày nay chúng ta chưa làm được điều này, tình trạng chảy máu chất xám một cách đáng buồn vẫn tồn tại và trong thời gian trước mắt chưa có dấu hiệu cho thấy sự cải thiện); chúng ta cần xác định rõ đâu là lĩnh vực được nhà nước hỗ trợ và có cam kết chắc chắn (người học khi lựa chọn tương lai của mình cần cảm thấy tin tưởng là những điều được nhà nước hứa hẹn hôm nay sẽ không thay đổi trong ngày mai); trong những lĩnh vực được nhà nước ưu tiên hỗ trợ, cần làm rõ đâu là những lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu chủ đạo mà người học nên theo đuổi; và điều hết sức thiết yếu là cần một chính sách nhân sự minh bạch hoàn toàn dựa trên kết quả công việc.
Theo thông lệ ở đa số các nước, để xây dựng đánh giá như vậy [cho từng/nhóm lĩnh vực khoa học] cần thiết lập một số ủy ban nhằm đưa ra các khuyến nghị với Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (và/hoặc tới Thủ tướng Chính phủ). Ủy ban này họp định kỳ hàng năm, các ủy viên nên là những nhà khoa học có tầm uy tín quốc tế, có lẽ tối đa là năm người, trong đó một hoặc hai người là Việt kiều. Họ được lựa chọn căn cứ trên kinh nghiệm thực hiện công tác đánh giá, phẩm chất liêm chính không thỏa hiệp, và tâm huyết hướng tới giúp nền khoa học Việt Nam tiến bộ. Các thành viên trong ủy ban được cung cấp tài liệu trước cuộc họp, và bắt đầu bằng việc lắng nghe các bài thuyết trình mở từ các nhà khoa học trong lĩnh vực được đánh giá. Sau đó trong các cuộc họp kín, họ tiếp tục nghe các nhà hoạch định chính sách khoa học cùng một số ít các nhà khoa học hàng đầu trong ngành. Một nhà khoa học có trình độ người Việt Nam có vai trò là thư ký, với năng lực đủ để trả lời đa số các câu hỏi cụ thể mà các thành viên ủy ban đặt ra. Ủy ban sẽ xây dựng báo cáo đưa ra các khuyến nghị tới Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, và Viện Hàn lâm KH&CN. Báo cáo này nên có một phần nội dung công khai trước công chúng, và một phần là nội dung mật dành riêng cho các bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, và chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Quy trình này là chuẩn mực ở nhiều quốc gia và được biết đến rộng rãi bởi nó giúp mang lại sự tiến bộ một cách hiệu quả. Bản thân tôi từng là thành viên, đôi khi là chủ tịch, của những ủy ban như vậy ở Anh, Bỉ, Canada, Hà Lan, và một số nước khác. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng vai trò của ủy ban đã đến lúc cần thiết với Việt Nam và sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện công tác quản lý khoa học trong nước. Cũng từ kinh nghiệm của mình, tôi biết rằng các quy trình tương tự có thể được áp dụng một cách hữu ích với các ngành khoa học khác, kể cả khoa học xã hội.