Các nhà khoa học của Tập đoàn SNF (Pháp) đã nghiên cứu và tạo ra được sản phẩm hạt polymer siêu giữ nước Erisorb. Hạt có thể hút lượng nước gấp 400 lần khối lượng hạt và lưu lại trong đất lâu từ 1,5 - 3 năm. Tại hội thảo “Giải pháp chống hạn, cải tạo đất cho cây trồng bằng hạt siêu trữ nước” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Chớp Ngay tổ chức ngày 22/2/2019 tại TP. HCM, ông Hoàng Tuấn Minh - Giám đốc Công ty Chớp Ngay - cho biết, hạt Erisorb có thành phần là chất polymer polyacrylamide siêu hấp thụ. Hạt được liên kết polymer giữa Acrylamide và Potassium acrylate không tan trong nước.
Hạt có chức năng hấp thụ nước gấp 400 lần khối lượng hạt (1kg hút được 400 lít nước), sau khi hút nước, hạt trở thành dạng gel. Khi tiếp xúc với nước, mạng lưới polymer sẽ trương nở ra nhờ quá trình thẩm thấu và giữ nước lại trong cấu trúc. Ở trong đất trồng, hạt sẽ nở ra trong môi trường ẩm ướt (mưa, khi tưới, gặp sương…) và luôn sẵn sàng nhả nước ra khi môi trường khô hạn. Vòng tuần hoàn hút/nhả nước này sẽ lặp lại và tồn tại từ 1, 5 - 3 năm tại khu vực rễ cây, giúp giảm áp lực thiếu nước.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm sử dụng hạt này trên cây bạch đàn ở Brazil. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sống của cây đạt khoảng 75% nếu không dùng Erisorb, 85% dùng hạt Erisorb khô và 97% nếu cho hạt hút đủ nước. Thử nghiệm với cây ngô tại Trung Quốc, sản lượng đã tăng từ 2 - 3 lần so với khi không dùng hạt trữ nước. Tại Pakistan, các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm trên cây cà chua, cho thấy trọng lượng trái tăng từ 3 - 5 lần so với khi không dùng hạt.
Theo ông Minh, cây trồng sử dụng hạt này tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh hơn do nước và chất dinh dưỡng luôn tập trung tại khu vực rễ giúp cây hấp thụ dễ dàng. “Đặc biệt, hạt thích hợp với những vùng khô hạn, giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới” - ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết, tùy từng vùng địa lý, đất canh tác mà cách bón hạt trữ nước này khác nhau và có thể bón cùng với lúc gieo hạt. Hạt được sử dụng hiệu quả hơn khi kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt và phân vi sinh.