Công nghệ RAS sẽ đưa ngành công nghiệp cá hồi bứt phá
14/01/2020
50 Lượt xem
RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn khép kín) là công nghệ mới nổi trong nuôi trồng thủy sản, và sự chuyển dịch này có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành trong thập kỷ tới – báo cáo của ngân hàng Robobank (Hà Lan) khẳng định.
Theo các phân tích trong Aquaculture 2.0: RAS Is Driving Change (Nuôi trồng thủy sản 2.0: RAS đang dẫn dắt thay đổi) – báo cáo do RaboResearch Food & Agribusiness (bộ phận nghiên cứu mảng thực phẩm và nông nghiệp của Robobank) thực hiện: “Trong lúc khái niệm RAS vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa thể chắc chắn về tương lai, thì số lượng dự án ứng dụng công nghệ này để nuôi trồng thủy sản lại không ngừng tăng lên mỗi ngày, và phần lớn đều tập trung vào nuôi cá hồi.”
Robobank xác nhận, tính đến nay đã có hơn 50 dự án nuôi cá hồi bằng các hệ thống RAS trên đất liền, với tổng sản lượng ước tính lên tới 700.000 tấn (năm 2030), tương đương 25% tổng sản lượng hiện nay của toàn thế giới. Mặc dù rất khó để đạt được con số này trong vòng 10 năm tới do các rào cản liên quan đến nút thắt tài chính, sự bất cập trong chiến lược kinh doanh hoặc tiếp thị, lựa chọn sai địa điểm hoặc loài nuôi, hay sự trì hoãn trong hoạt động cấp pháp, bên cạnh một số dự án không khả thi, tuy nhiên nhiều ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính vẫn tin tưởng vào tiềm năng sản xuất 250.000 tấn cá hồi bằng công nghệ RAS trong khoảng thời gian đó.
Dựa trên các dữ liệu của chuyên gia phân tích Beyhan de Jong tại Rabobank, báo cáo khẳng định: phần lớn các trại nuôi cá hồi trên đất liền đều được đặt ở Na Uy, nơi tích lũy được rất nhiều tri thức (know-how) trong lĩnh vực này, cùng điều kiện cơ sở hạ tầng, chuỗi hậu cần dịch vụ, hệ thống bảo quản, … hoàn hảo. Tuy nhiên, dự án có mức sản lượng đề xuất cao nhất lại nằm ở Hoa Kỳ, theo sau là Trung Quốc, lý do là bởi nhu cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ ở những nơi này.
Phần lớn các dự án đều đề xuất sản lượng từ 5000 đến 35.000 tấn; một phần ba trong số đó đặt mục tiêu đến năm 2026 (hoặc xê dịch đôi chút) sản xuất khoảng 5.000 tấn cá hồi. Trong số các dự án quy mô lớn nhất, phải kể đến Atlantic Sapphire với kế hoạch đầy tham vọng và mục tiêu sản lượng chưa từng có – 220.000 tấn – cho một trại RAS đặt tại Hoa Kỳ. Một tay chơi khác là Pure Salmon cũng không chịu kém cạnh khi đặt mục tiêu 260.000 tấn trên toàn cầu, trong đó 100.000 tấn sẽ được sản xuất tại Trung Quốc.
Mặc dù vậy, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng mới chỉ có một vài dự án đã thu hoạch cá hồi và cho thấy sự thành công bước đầu. Trong khi nhiều dự án khác vẫn đang ở trong giai đoạn gọi vốn, một số gặp vướng mắc trong hoạt động xin giấy phép hoặc đang xây dựng dở dang. Dẫu các kế hoạch là rất lớn, song sản lượng cá hồi nuôi bằng công nghệ RAS hiện hãy còn khá khiêm tốn – chỉ khoảng 3.000 tấn và chưa có công ty nào đủ năng lực sản xuất hơn 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên, số lượng dự án được công bố đã tăng từ 30 lên hơn 50 trong giai đoạn 2018 – 2019, với tổng sản lượng dự kiến tăng gấp đôi. Cứ đà này, việc có thêm nhà đầu tư mới trong danh sách, đưa sản lượng kế hoạch lên mức 1 triệu tấn vào năm tới hoàn toàn không phải là điều xa vời.
“RAS có thể trở thành công nghệ nuôi trồng thủy sản tạo đột phá trong 10 năm tới, không chỉ trên khía cạnh giúp nâng cao sản lượng cá hồi, mà còn có tiềm năng phá vỡ nguyên trạng của các hoạt động thương mại, chuỗi cung ứng và cả thị trường cá hồi,”báo cáo nhận định.“Cá hồi nuôi trên đất liền hầu như sẽ trở thành sản phẩm chủ đạo trong thập kỷ tới, nếu các dự án RAS [được đề xuất] có thể ít nhiều đạt được mức thu hoạch đầy tham vọng và sản xuất thành công khoảng 500.000 tấn.”
Rabobank cũng tin tưởng các trại RAS có thể sản xuất được cá hồi ở mức giá khoảng 40 NOK (4,36 USD; 3,93 EUR) đến 50 NOK (5,45 USD; 4,91 EUR). Khi ấy, ngay cả với mức sản lượng thấp hơn mong đợi, họ vẫn có thể tạo ra một thị trường ngách.
Ngoài ra, các phân tích còn cho thấy, yếu tố địa lý cũng đóng một vai trò quan trọng. Theo đó, sản lượng ít hơn 10% của mức kỳ vọng có thể sẽ không đáng để các nhà sản xuất cá hồi lớn ở Nauy hay Chile phải quan tâm, nhưng việc nuôi được cá hồi tại những khu vực như Trung Quốc – không có điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của loài này – có thể sẽ là một động lực rất lớn.
“Nhiều khả năng một số dự án như vậy sẽ thành công nếu hội tụ đủ ít nhất một nửa các điều kiện cần thiết liên quan đến lựa chọn địa điểm và loài nuôi,”báo cáo nhận định.“Các công ty làm được điều này sẽ trở thành người đi đầu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên đất liền. Công nghệ RAS là đây. Câu hỏi lớn là sản xuất cá hồi trên đất liền sẽ bắt đầu từ đâu, khi nào, và ai là người làm,”các tác giả kết luận.