Công nghệ thông minh nhìn xuyên tường để theo dấu và nhận dạng người
11/07/2018
104 Lượt xem
Một nhóm các nhà nghiên cứu và sinh viên Viện Công nghệ Ma-sa-chu-sét (MIT), Mỹ, đã phát triển một công nghệ thông minh gần giống như ra-đa để có thể nhìn xuyên qua các bức tường và theo dấu được mọi người khi họ chuyển động.
Sáng kiến này có thể rất hữu ích trong việc theo dõi người già, người ốm hoặc các ứng dụng khác. Tuy nhiên, nó cũng gây ra quan ngại đối với sự riêng tư của mỗi người.
Các thí nghiệm cho thấy công nghệ này, được gọi là “chụp ảnh RF” (RF-Pose) có thể cho biết một người đang đi, ngồi, đứng hay thậm chí là vẫy tay, và có thể nhận dạng từng người trong một nhóm với tỉ lệ thành công lên đến 83%. Các nhà phát minh cho biết công nghệ này rất hữu ích trong việc tìm kiếm và giải cứu và có thể quan trọng nhất là áp dụng trong chăm sóc sức khỏe.
Bà Dina Katabi, một trong những nhà khoa học máy tính của MIT và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, nói rằng “Chúng tôi nhận thấy khi giám sát được tốc độ và khả năng đi bộ để thực hiện các hoạt động cơ bản của bệnh nhân thì các nhân viên y tế hiểu rõ hơn và có cái nhìn chính xác hơn về bệnh nhân mà trước đó họ không thể biết được. Điều này có thể rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ điều trị tất cả các bệnh”.
Theo bà Katabi, các bác sĩ có thể sử dụng công nghệ này để kiểm tra bệnh nhân Parkinson thông qua việc theo dõi những thay đổi trong dáng đi, nhận ra những dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh. Ngoài ra công nghệ này có thể được áp dụng để giám sát việc đi lại, di chuyển của người già có được thăng bằng không và đưa ra cảnh báo tức thì khi họ sắp ngã.
Đây là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải mã các dữ liệu sóng radio, các sóng radio này trước đó đã được nhóm nghiên cứu này tìm ra cách sử dụng. Một phiên bản cũ của công nghệ này có thể phát hiện ra bóng của một người bên kia bức tường, nhưng bà Katabi cho biết phải đến phiên bản này mới có thể theo dõi chặt chẽ và nhận diện từng người.
Bộ phận chính của RF-Pose là một máy phát sóng radio cỡ bằng 1 chiếc máy tính xách tay. Sóng radio phát ra đi xuyên qua tường nhưng bị cơ thể người phản xạ lại do cơ thể con người chứa nhiều nước. Các thuật toán máy tính phân tích các sóng phản xạ lại, tập trung vào các phần đầu, bàn tay, bàn chân và các phần chính khác của cơ thể để tạo ra hình ảnh dạng que chuyển động trên màn hình.
Bà Katabi và nhóm nghiên cứu đã nâng cao khả năng và độ chính xác của RF-Pose bằng cách nạp cho nó nhiều hình ảnh của nhiều người cũng như nhiều hình ảnh thô do sóng radio phản xạ tạo thành. Cuối cùng, RF-Pose đã “học” được cách vẽ ra một mô hình dạng que mỗi khi các tín hiệu radio của nó thể hiện sự xuất hiện của một người nào đó.
Phát minh này được các chuyên gia đánh giá như thế nào? Ông Gines Hidalgo, một nhà nghiên cứu của Viện Rô-bốt học thuộc Trường đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, Mỹ, nói rằng hiện nay việc áp dụng công nghệ này vẫn còn hạn chế vì tín hiệu radio mà máy sử dụng không thể đi xuyên qua những bức tường dày. Nếu có thể cải tiến để vượt qua hạn chế này thì đây có thể là một phát minh lớn.
Đồng thời ông Hidalgo cũng cho rằng công nghệ này nêu lên vấn đề về quyền riêng tư. “Nếu một chiếc máy quay bình thường ghi hình tôi thì có nghĩa là tôi cũng có thể nhìn thấy nó, nhưng nếu máy quay đó được giấu phía sau hoặc thậm chí là bên trong một vật nào đó thì tôi không thể biết được là mình đang bị theo dõi.” Việc xác định thế nào là tự ý hay không tự ý ghi hình người khác, ghi hình người khác hợp pháp hay không hợp pháp trong nhiều trường hợp vẫn còn khó xác định rạch ròi.
Nói về vấn đề này, bà Katabi cho rằng “đây đúng là một vấn đề quan trọng, chúng tôi đã xây dựng các cơ chế để kiểm soát việc sử dụng công nghệ này để bảo mật các dữ liệu”.
Các nhà nghiên cứu hiện đang phối hợp với Quỹ Michael J. Fox về Nghiên cứu bệnh Parkinson để tiếp tục thử nghiệm RF-Pose và hy vọng cuối cùng sẽ đưa công nghệ này vào ứng dụng thực tế.