Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell số ra này 27/11, loại vi khuẩn này phát triển toàn bộ sinh khối cơ thể từ khí CO2 trong không khí. Các sinh khối được xem là nền tảng quan trọng để tạo ra nhiên liệu sinh học sử dụng trong đời sống thường ngày.
Điều đặc biệt là các nhà khoa học đã biến đổi được E.coli - loại vi khuẩn dị dưỡng từ trước đến nay chỉ thải ra khí CO2, thành loại vi khuẩn tự dưỡng sống nhờ vào CO2.
Bằng cách cắt ghép và tạo ra sơ đồ gene mới cho E.coli theo từng giai đoạn, các nhà khoa học đã tạo ra chủng E.coli mới có thể tự tạo ra đường nuôi sống cơ thể nhờ vào việc hấp thụ CO2.
Khoảng 6 tháng sau khi được cấy ghép các đoạn gene mới, những thế hệ E.coli còn sống đã quen với cơ chế tiêu hóa mới mà không cần cung cấp đường từ bên ngoài và có thể gọi là E.coli 2.0.
Các nhà nghiên cứu tin rằng thói quen "ăn uống" mới của loại vi khuẩn này có thể có lợi cho Trái đất.
Mặc dù loại E.coli mới không thể tự sống trong môi trường tự nhiên do cần nồng độ CO2 đậm đặc gấp 5 lần mức có trong không khí nhưng nó có thể được sử dụng để tạo ra một loại nhiên liệu sinh học mới khác các loại nhiên liệu sinh học hiện nay.
Nhiên liệu sinh học từ E.coli 2.0 là một giải pháp đầy hứa hẹn, bởi vì toàn bộ sinh khối được tạo ra từ chính khí CO2 trong không khí nên khi đốt cháy sẽ thải ra lượng CO2 bằng chính lượng đã hấp thụ.