Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn vật liệu tiếp xúc thực phẩm, tăng tính an toàn và minh bạch
25/05/2025
8 Lượt xem
Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã ban hành và chính thức áp dụng bản sửa đổi “Tiêu chuẩn và Quy cách đối với Dụng cụ, Bao bì và Vật chứa”. Trong đó, nội dung chính được đề cập trong bản tiêu chuẩn cập nhật mới nhất này là việc bổ sung rõ ràng về giới hạn hàm lượng chì, bao gồm cả thiếc hàn.
Theo quy định cũ (Thông báo MFDS số 2022-97, ban hành ngày 29/12/2022), các bộ phận tiếp xúc thực phẩm không được chứa quá 0,1% chì. Tuy nhiên, quy định này còn thiếu minh bạch, rõ ràng trong việc áp dụng đối với các vật liệu dùng để hàn, nối.
Thông báo mới đã làm rõ rằng mức giới hạn chì 0,1% cũng áp dụng cho các chất hàn, chẳng hạn như thiếc hàn được sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc sửa chữa. Đây là bước tiến quan trọng giúp ngăn ngừa khả năng thôi nhiễm kim loại nặng vào thực phẩm. Đây là vấn đề được nhiều người tiêu dùng nước này quan tâm do lo ngại ngày càng có nhiều sản phẩm nhà bếp kém chất lượng đang tồn tại trong cuộc sống của họ hàng ngày.
Hàn Quốc tăng cường siết chặt các quy định về vật liệu tiếp xúc thực phẩm nhằm đảm bảo sự an toàn với người tiêu dùng
MFDS cũng quy định rằng nếu thân chính và phụ kiện của sản phẩm có cùng loại vật liệu và màu sắc, thì chỉ cần kiểm nghiệm mẫu trên thân chính. Điều này nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm định mà vẫn đảm bảo tính đại diện và độ an toàn của mẫu thử.
Để ra được kết luận cuối cùng, MFDS đã lấy ý kiến phản hồi, góp ý từ người dân, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, chuyên gia để sửa đổi và hoàn thiện tiêu chuẩn.
Sau khi tiêu chuẩn chính thức được áp dụng thực tế, các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm tiếp xúc thực phẩm (bao bì, hộp đựng, dụng cụ nhà bếp...) cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất và nguyên vật liệu sử dụng. Kiểm tra hàm lượng chì trong các vật liệu hàn để đảm bảo không vượt quá ngưỡng cho phép, nếu không, họ sẽ bị nộp phạt và buộc phải dừng lại mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi sản phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu.
Những điều chỉnh này sẽ góp phần tăng cường an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc kiểm soát chặt chẽ hàm lượng chì – một kim loại nặng có thể gây tổn hại hệ thần kinh và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài – là minh chứng rõ ràng cho cam kết của MFDS trong việc nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm.