Hình ảnh của những cây cột tuabin gió đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống phát điện này cũng gặp phải một số vấn đề như gây ồn, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều loài sinh vật xung quanh, ... bên cạnh hiệu suất không thật sự cao.
Vì thế, công ty Ampyx Power chuyên về năng lượng tái tạo của Hà Lan, đang theo đuổi một giải pháp hoàn toàn khác. Nếu họ thành công, các tuabin gió có thể sẽ được thay thế bởi những đội máy bay không người lái (drone) neo với mặt đất bằng dây cáp.
Cụ thể, công ty đang phát triển một loại drone với hình dạng khá giống con diều, nhằm tận dụng nguồn năng lượng gió ở độ cao lớn (hàng trăm m) để chạy máy phát điện trên mặt đất. Ý tưởng này đã nhận được sự hậu thuẫn từ Chương trình Hỗ trợ đổi mới đạo hàng hàng không (Navigation Innovation and Support Programme, viết tắt: NAVISP) của Cơ qua Vũ trụ châu Âu (ESA).
Mặc dù được xem là một trụ cột của trào lưu năng lượng tái tạo, song cũng giống như máy phát điện công nghiệp, các tuabin gió vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế. Trong đó, việc xây dựng cố định trên mặt đất thường khiến chúng chỉ thu được năng lượng từ những đai gió hẹp, vận tốc thấp, cùng với đó là tốn nhiều vật liệu để xây dựng do phải có kích thước lớn.
Với một tư duy hoàn toàn khác, Ampyx Power lại muốn tận dụng đai gió ở độ cao trên 200m, nhờ sử dụng các drone có kích thước tương đối lớn (nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với tuabin) được neo bằng loại dây cáp đặt biệt với tời kéo trên mặt đất. Khi ấy, drone sẽ bay trên những cơn gió mạnh ở nhiều tư thế khác nhau, không khác gì con diều để tiếp nhận năng lượng; còn tời trên mặt đất thì bị kéo bởi dây cáp và sẽ biến thành một cỗ máy phát điện.
Công ty cho biết: một hệ thống như trên có khả năng tạo ra nhiều năng lượng hơn cả một tuabin gió thông thường, trong khi chỉ mất khoảng 1/10 lượng vật liệu để chế tạo. Ngoài ra, những chiếc drone cũng hoàn toàn có thể được tích hợp vào hạ tầng hiện có, chẳng hạn thay thế các cột tuabin cũ không còn hoạt động.
Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi công nghệ này trong thực tế, chúng ta sẽ phải nghiên cứu giải pháp giúp drone cất cánh và hạ cánh chính xác khi cần kiểm tra, bảo dưỡng – đại diện của ESA nhận định. Bãi đáp sẽ có diện tích rất nhỏ, thậm chí còn ngắn hơn cả sải cánh máy bay, như vậy mới có thể được bố trí ở những địa hình gồ ghề hoặc xa ngoài khơi.
Chuyên gia Omniense (người Anh) từ ESA hiện đang giúp Ampyx Power phát triển công nghệ điều hướng hàng không độ chính xác cao, có thể hoạt động ngay cả khi hệ thống đạo hàng vệ tinh (sattelite navigation) bị gián đoạn. Nhờ sử dụng các kỹ thuật định vị bằng siêu băng rộng, hệ thống cục bộ này có phạm vi hoạt động khoảng 1 km, với dữ liệu được cập nhật sau mỗi hàng trăm giây để khắc phục những sai sót trong giới hạn 10 cm (4 inch).