Khuôn bó bột kiểu mới không gây ngứa, không mùi, không cần cắt bằng cưa
04/12/2019
62 Lượt xem
Công ty khởi nghiệp Mỹ Cast21 đã tạo ra một loại khuôn mới dành cho bệnh nhân gãy xương. Khuôn này có dạng lưới, nhẹ, thoáng khí có thể dùng ở biển và bồn tắm hay bể bơi.
Theo tờ Dailymail, loại khuôn kiểu mới này hoàn toàn khác với khuôn thạch cao truyền thống vốn gây ngứa, có mùi.
Bệnh nhân đeo khuôn thạch cao bình thường không thể lau chùi bên trong. Do đó, khu vực bị gẫy sẽ bẩn và có thể gây viêm da.
Tuy nhiên, thiết bị thay thế của Cast21 có thể khiến quá trình liền xương dễ chịu hơn. Khi tháo ra, bác sĩ cũng không cần dùng cưa để cắt như khuôn thạch cao.
Tuy nhiên, loại khuôn kiểu mới này chưa được bán trên thị trường.
Veronica Hogg, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Cast21, nói: “Chúng tôi có ý tưởng tiên tiến này để bệnh nhân có thể thoải mái trong quá trình liền xương. Họ không cần phải hạn chế các hoạt động hàng ngày”.
Với phát minh trên, Cast21 đã biến việc bó bột tốn thời gian thành một quy trình mất chưa đầy 10 phút.
Các bác sĩ chỉ cần đo chiều dài xương gãy bằng thước đo. Sau khi chọn được kích thước phù hợp, họ sẽ luồn khuôn vào cánh tay bệnh nhân.
Bác sĩ sẽ trộn nhựa thông lỏng và rót vào một khuôn rỗng bằng một cái vòi có van.
Sau khi khuôn đầy nhựa thông, sẽ mất ba phút để chất lỏng đông lại thành dạng gel có thể uốn dễ dàng.
Sau đó, bác sĩ sẽ làm khuôn vừa với bệnh nhân và chờ thêm 5 đến 7 phút để nhựa thông cứng lại hoàn toàn.
Thiết bị này dễ tháo hơn nhiều so với khuôn thạch cao truyền thống vì không cần dùng cưa.
Theo Veronica Hogg, phần lớn người gãy xương đều là trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người già. Trong khi đó, tiếng cưa rất to, mảnh vụn bắn tung tóe, rất lộn xộn và có thể cực kỳ đáng sợ. Cưa khuôn thạch cao có thể gây nguy cơ bỏng cho bệnh nhân.
Hogg nói: “Sản phẩm của chúng tôi không cần làm như thế. Nó được thiết kế để bác sĩ có thể dùng kéo to, luồn vào các thanh và kéo mở dễ dàng. Nó được thiết kế để không cần dùng cưa và khiến quá trình liền xương dễ chịu hơn với bệnh nhân”.
Rõ ràng là không có đau đớn gì trong quá trình nhựa thông cứng lại, hơi ấm tỏa ra từ nhựa thông còn có lợi cho bệnh nhân, có tác dụng xoa dịu và đạt nhiệt độ gần bằng tắm nước nóng.
Một điểm cộng nữa là không cần dùng nước hay điện để lắp khuôn. Nó có thể dùng trong quân đội và dùng để sơ cứu tại nhà. Những ai đi leo núi có thể cầm theo vì nó rất nhỏ và nhẹ.
Cast21 hy vọng có thể gây tiếng vang trong công nghệ chỉnh hình, nhưng sáng kiến này mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Tới nay, công ty mới có mô hình sẵn cỡ trung bình, nhưng hy vọng có thể mở rộng ra nhiều kích thước và làm được khuôn để bó gãy chân trong tương lai gần.
Hogg nói: “Ý tưởng là chứng minh công nghệ này có tác dụng ngay lúc này. Chúng tôi đã qua giai đoạn làm mẫu và có mô hình sử dụng được cho phần tay. Chúng tôi hy vọng công nghệ có thể áp dụng với toàn bộ cơ thể. Chúng tôi đang tìm cách làm sớm mô hình phù hợp với phần cẳng chân cho bệnh nhân rạn mắt cá chân”.
Hiện chưa có giá cho sản phẩm của Cast21 nhưng mục tiêu của công ty là làm càng rẻ càng tốt. Hogg nói: “Chúng tôi muốn nó cạnh tranh, dễ tiếp cận với phần đông mọi người. Chúng tôi không muốn nó là sản phẩm xa xỉ. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu giá và giá cuối cùng của sản phẩm sẽ phụ thuộc vào bảo hiểm và bác sĩ”. Cast21 đang muốn mở rộng sử dụng thí điểm sản phẩm trong các bệnh viện.
Khuôn bó bột in 3D, chống nước đã có trên thị trường ở Mỹ và Châu Âu nhưng có giá tới hàng trăm USD. Bệnh nhân có thể phải chờ hàng ngày hoặc hàng tuần để khuôn được in và giao tận tay.
Hogg nói: “Khuôn in 3D có thể rất đắt và thời gian giao hàng chậm. Thiết kế của chúng tôi có ngay lập tức và dễ vận chuyển”.
Theo báo cáo năm 2018 của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia, sự cố gãy xương xảy ra mỗi năm đang tăng trên cả thế giới. Do đó, nhu cầu với khuôn như của Cast21 sẽ là rất lớn nếu giá cả phải chăng.