Kỳ lạ loại robot có khả năng tự đổ mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể
04/02/2020
90 Lượt xem
Các nhà khoa học tại ở New York (Mỹ) mới đây đã chế tạo thành công những robot mềm có khả năng đổ mồ hôi để hạ nhiệt.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Cornell, các robot này có công suất làm mát rơi vào khoảng 107 watt/kg, trong khi con người và ngựa có công suất làm mát tối đa khoảng 35 watt/kg.
Loại robot nói trên có ba phần giống như ngón tay uốn cong để nắm các vật nhỏ. Đây là robot kẹp in 3D được làm từ hydrogel, một loại vật liệu polymer có thể chứa một lượng lớn nước. Dưới mỗi ngón tay của robot đều có kênh bên trong dẫn chất lỏng chảy ra và trên bề mặt robot đều có lỗ chân lông.
Ở nhiệt độ lạnh, lỗ chân long robot đóng lại. Ở nhiệt độ cao hơn 30°C, bề mặt mở rộng, làm robot giãn nở lỗ chân lông và cho phép chất lỏng được điều áp từ lớp dưới chảy ra như người vã mồ hôi. Vật liệu này phản ứng tự nhiên với sự thay đổi nhiệt độ mà không cần cảm biến bên ngoài.
“Mồ hôi tận dụng sự mất nước bốc hơi để tản nhiệt nhanh chóng. Không giống như đối lưu hoặc bức xạ, đổ mồ hôi làm giảm nhiệt độ của cơ thể dưới nhiệt độ của môi trường”, TS Wallin cho biết.
Trong trường hợp khi nhiệt độ tăng lên, các lỗ chân lông sẽ tự mở và đóng lại. Khi bị gió thổi từ quạt, các robot đổ mồ hôi làm mát với tốc độ 39,1°C mỗi phút, nhanh hơn khoảng sáu lần so với các thiết bị tương tự không thể đổ mồ hôi.
Trợ lý giáo sư Robert Shepherd, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Cornwell cho biết, kỹ thuật này có thể được sử dụng để giúp các robot không dây hoạt động trong thời gian dài mà không bị quá nóng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cách nào để robot bổ sung lượng nước dự trữ sau khi đổ mồ hôi. Điều này có nghĩa là các robot hoạt động thông qua đổ việc mồ hôi cũng phải được uống nước.
Trong một nỗ lực khác nhằm tăng cường các tính năng cho robot, giúp robot tiến gần hơn tới con người, hồi đầu tháng 1/2020, các nhà khoa học đến từ Đại học Công nghệ Munich (Đức) cho biết đang phát triển da nhân tạo cho robot. Công nghệ da nhân tạo cho phép robot có thể cảm nhận, phản ứng với các tác động vật lý, một kỹ năng cần thiết khi robot đang ngày càng có liên kết mật thiết với con người.
“Việc cảm nhận tác động vật lý sẽ đảm bảo robot vận hành an toàn bởi nó có thể phát hiện những vật cản không nhìn thấy, điều chỉnh lực chính xác để hoàn thành nhiệm vụ mà không làm tổn thương vật thể, con người và bản thân robot”, ông Chiara Bartolozzi, một chuyên gia về robot tại Viện Công nghệ Italia cho biết:
Cũng theo các nhà khoa học, công nghệ da đặc biệt này còn cho phép hiện thực hóa tương lai biến robot trở thành những người trông coi, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nhiều đối tượng người trong xã hội như người già, người khuyết tật…
Để phát triển công nghệ, các nhà nghiên cứu bắt đầu từ việc nghiên cứu da người. Mỗi người có khoảng 5 triệu thụ quan trên da cho phép con người có thể cảm nhận những gì đang diễn ra trên bề mặt da và truyền tín hiệu tới não.
Từ hướng đó, đội nghiên cứu bao phủ bề mặt robot tự động có kích thước như con người bằng hơn 13.000 cảm biến từ vai đến chân, cho phép truyền các thông tin về nhiệt, khoảng cách, áp lực… Đó là nhưng yếu tố căn bản trong cảm nhận của con người, cho phép những tương tác giữa người với người trở nên an toàn.