Nghiệm thu dự án: “Xây dựng mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ theo hướng VietGap tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT”
28/03/2017
163 Lượt xem
Sáng ngày 22/3, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn nghiệm thu dự án: “Xây dựng mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ theo hướng VietGap tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT” do ThS. Phạm Tấn Phước làm chủ nhiệm; Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan chủ trì. Ông Đặng Sơn Hải - Phó GĐ Sở KH&CN chủ trì Hội đồng nghiệm thu.
Mục tiêu của dự án là nhằm ứng dụng triển khai thành công mô hình trồng Thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên mộc, góp phần chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Đây là mô hình nhân rộng kết quả triển khai dự án sản xuất thử nghiệm trồng Thanh long ruột đỏ đã được áp dụng thành công trên địa bàn xã Bông Trang, huyện Xuyên mộc trước đây. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 05 hộ dân tham gia góp đất sản xuất, với tổng diện tích là 02 ha (4000 m2/hộ).
Bưng Riềng là một xã có nhiều tiềm năng phát triển cây Thanh long ruột đỏ. Đến nay, xã Bưng Riềng có khoảng 20 ha đất được canh tác Thanh long ruột đỏ và cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là loại cây ăn quả chủ lực được ngành nông nghiệp định hướng phát triển và là giống Thanh long được ưa chuộng, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Sau 3 năm triển khai, mô hình trồng mới Thanh long ruột đỏ theo hướng VietGap nêu trên đã được thực hiện thành công, mang lại kết quả tích cực. Một đội ngũ nông dân được huấn luyện về quy trình canh tác Thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP, gồm 05 người trong dự án và hơn 40 người ngoài dự án. Bên cạnh đó, đã thành lập được tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Đặc biêt, sản phẩm đã bán được với giá rất cao (loại 1 từ 15.000 - 70.000đ/kg, loại 2 từ 8.000 – 40.000đ/kg), có đầu ra ổn định trong suốt thời gian qua. Sản lượng dự án đạt được là 47,78 tấn/20 tấn chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương như tiêu, nhãn, cao su…
Đây là dự án mang tính ứng dụng thực tiễn và có khả năng triển khai trên quy mô lớn. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho công tác tham khảo, nghiên cứu, chủ nhiệm dự án và cơ quan chủ trì đã được đề nghị rút ra những bài học kinh nghiệm trên cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đối với kết quả triển khai dự án. Hội đồng đã thống nhất đánh giá và đồng ý nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.