Nghiên cứu hệ thống phân loại và tính đa dạng của các loài dơi (Mammalia: Chiroptera) ở Việt Nam bằng phương pháp Hình thái học, Siêu âm và Sinh học phân tử
26/09/2019
155 Lượt xem
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Đánh giá tính đa dạng của những loài dơi ghi nhận được trong thời gian thực hiện đề tài căn cứ vào đặc điểm hình thái, tần số siêu âm và dẫn liệu sinh học phân tử; Bước đầu xây dựng cơ sở dẫn liệu về tần số siêu âm của những loài dơi ghi nhận được ở Việt Nam trong thời gian thực hiện đề tài; Bổ sung tư liệu và mẫu vật về thành phần loài dơi của Việt Nam; và Đề xuất một số giải pháp giám sát và bảo tồn những loài dơi đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp những dẫn liệu quan trọng đối với công tác nghiên cứu Khu hệ Dơi Việt Nam; trong đó có những kết quả đáng chú ý dưới đây: - Phát hiện 1 loài mới và 1 phân loài mới cho khoa học.
- Tu chỉnh vị trí phân loại của 1 giống, 8 loài phân bố ở Việt Nam và các nước lân cận.
- Bộ dẫn liệu về tiếng kêu siêu âm dùng cho định loại và giám sát trên thực địa của các loài dơi ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Trong đó, dẫn liệu về tiếng kêu siêu âm của các loài dơi ở các Vườn Quốc gia Cát Bà, Tam Đảo, Cát Tiên đã được công bố trên tạp chí khoa học.
- Danh lục cập nhật về thành phần loài dơi của Việt Nam. Danh lục này đang chờ đăng trên Tạp chí Sinh học. - Bộ mẫu đại diện cho những loài dơi ghi nhận được ở Việt Nam trong thời gian thực hiện đề tài này phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy. - Bộ sưu tập các tư liệu quan trọng đã công bố có liên quan đến các loài dơi ghi nhận được trong thời gian thực hiện đề tài. - Dẫn liệu về sinh học phân tử của một số taxa mới đối với khu hệ dơi Việt Nam ghi nhận được trong thời gian thực hiện đề tài. - Dẫn liệu cập nhật về vị trí phân loại và tình trạng bảo tồn của các loài dơi được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục Đỏ IUCN; trong đó, có các loài như Dơi lá mũi tô-ma (Rhinolophus thomasi), Dơi nếp mũi cát bà (Hipposideros khaokhoukhayensis) và nhiều loài khác.
- Những giải pháp bảo tồn đối với những loài dơi quý hiếm hoặc đặc hữu đã được xác định vè đề xuất trong Luận văn Thạc sĩ của các học viên Đỗ Thùy Dung và Nguyễn Viết Thịnh. Trang bìa, Giấy chứng nhận và Quyết định của hai thạc sĩ được gửi kèm theo báo cáo này.
Kết quả của đề tài góp phần hoàn thiện việc biên soạn nội dung tập sách về dơi với những thông tin đầy đủ và cập nhật nhát của mỗi loài, từ đó có những biện pháp bảo tồn kịp thời những loài bị đe dọa. Đồng thời, những bộ cơ sở dữ liệu về sinh học phân tử và tiếng siêu âm có khả năng được ứng dụng rộng khắp trong những công trình nghiên cứu tiếp theo về phân loại, giám sát và bảo tồn những loài đặc hữu, những loài bị đe dọa.
Ngoài những kết quả đã công bố, quá trình thực hiện đề tài còn thu được nhiều mẫu vật và dẫn liệu mới lạ về đặc điểm sinh thái, tiếng kêu siêu âm của các loài dơi và thú nhỏ khác. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian và số lượng mẫu nên cần có thêm thời gian và kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung mẫu vật và tư liệu nhằm khẳng định những phát hiện đó trong thời gian tới.