Nhà vệ sinh không cần nước và điện cho các quốc gia nghèo
26/02/2021
74 Lượt xem
Xuất phát từ MIT, startup change:WATER Labs đã tạo ra nhà vệ sinh có thể xử lý và lưu trữ chất thải mà không cần nước và điện.
Một dãy các nhà vệ sinh hố tiêu ở Nakulabye, Uganda.
Năm ngoái, một bệnh viện ở Kiboga, Uganda, bắt đầu sử dụng hai nhà vệ sinh không nước mà vẫn có thể xử lý chất thải, sạch sẽ và riêng tư hơn so với nhà vệ sinh dạng hố tiêu thường thấy trong khu vực. Thay đổi này là nhờ change:WATER Labs, startup với hai nhà đồng sáng lập đến từ MIT - và thành công của họ cho thấy tiềm năng cải thiện cuộc sống của mọi người không chỉ ở Uganda.
Một nửa dân số thế giới không có nhà vệ sinh để quản lý chất thải một cách an toàn và tình trạng này để lại hậu quả nặng nề nhất với phụ nữ và trẻ em. Trên thế giới, cứ 15 giây lại có một trẻ em chết vì các bệnh liên quan đến vệ sinh như tiêu chảy và dịch tả. Phụ nữ và trẻ em gái không có phòng tắm riêng gần nhà rất dễ bị bạo lực tình dục. Trên toàn cầu, 45% số trường học thiếu thiết bị phòng tắm, một trong những lý do khiến 20% trẻ em gái bỏ học khi bắt đầu có kinh nguyệt.
Nhóm nghiên cứu change:WATER Labs tin rằng giải pháp cho những vấn đề này là tạo ra một loại hình nhà vệ sinh rẻ tiền, không cần hệ thống nước hay nguồn điện bên ngoài, và có thể triển khai ở bất kỳ vị trí nào. Nhà vệ sinh mà họ tạo ra, có tên iThrone, sử dụng một loại vật liệu đặc biệt để làm bay hơi hàm lượng nước trong chất thải của con người. Chất thải sau khi bị tách nước trở nên nhỏ đi 95%, ít mùi và không rò rỉ, do đó giúp lưu trữ chất thải được lâu hơn, giúp giảm thiểu chi phí vận hành và thu gom.
Giám đốc điều hành và đồng sáng lập startup Diana Yousef, một nhà nghiên cứu tại MIT, cho biết iThrone chỉ cần được thu gom chất thải một hoặc hai lần mỗi tháng thay vì phải thu gom hằng ngày như các nhà vệ sinh công cộng khác. “Về cơ bản, chúng tôi đang biến chất thải của con người thành nước phân tử sạch và những gì còn sót lại sẽ được thu gom một cách dễ dàng hơn nhiều [so với các nhà vệ sinh công cộng thông thường]."
Quan hệ đối tác đặc biệt
Ý tưởng về change:WATER Labs đến với Yousef khi đang phát triển một sáng kiến xử lý nước với NASA vào năm 2009. Mặc dù dự án với NASA đã khám phá ra các cách tái chế nước cho nông nghiệp vũ trụ, Yousef tự hỏi liệu có thể tận dụng những phương pháp đó để phục vụ cho các nước đang phát triển.
5 năm sau, cô đề xuất phiên bản đầu tiên của ý tưởng này tại Giải thưởng Sáng tạo về Nước của MIT và Thử thách Đổi mới Xã hội MIT IDEAS, nơi giúp cô kết nối với người đồng sáng lập Huda Elasaad, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm D-Lab của MIT - đơn vị chuyên tìm kiếm giải pháp cho các thách thức ở các nước nghèo. Yousef cuối cùng đã nhận được tài trợ từ Trung tâm PKG của MIT - trung tâm làm nhiệm vụ đưa các nghiên cứu vào ứng dụng trên khắp thế giới thông qua các chương trình tài trợ và các dự án dịch vụ công.
“Tài trợ ban đầu từ MIT là một yếu tố then chốt đối với chúng tôi," Yousef nói và cho biết thêm, cô không có đủ nguồn lực để tự mình theo đuổi ý tưởng và trước đó phải thiết kế bản nguyên mẫu của iThrone ngay trong căn bếp của mình.
Mối quan hệ của MIT với change:WATER Labs đã tiếp tục phát triển sau lần đầu tư ban đầu đó. Văn phòng Môi trường, Sức khỏe và An toàn (EHS) của MIT cũng giúp công ty khởi nghiệp phát triển hệ thống xử lý chất thải.
“Chúng tôi rất may mắn khi tìm được sự hỗ trợ và cộng tác như vậy tại MIT. Họ cung cấp một hệ sinh thái thực sự độc đáo, nuôi dưỡng mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khởi nghiệp trong và xung quanh MIT để thúc đẩy những sáng kiến thay đổi thế giới," Yousef nói.
Thay đổi trên khắp thế giới
Nhà vệ sinh của change:WATER Labs được khoảng 400 người sử dụng mỗi tuần ở Uganda trước khi dự án bị Covid-19 làm gián đoạn. Theo Yousef, các iThrone tỏ ra an toàn, ít mùi và không rò rỉ khi được triển khai thực tế, cho thấy chúng có thể được đặt gần các khu vực đông dân cư. “Chúng tôi có tiềm năng đặt các nhà vệ sinh an toàn, hợp vệ sinh, sạch sẽ ở những nơi đông đúc và gần nơi có người ở, đây vốn là một trong những thách thức đối với các giải pháp nhà vệ sinh khác, như nhà vệ sinh ủ phân, không phù hợp với khu vực đông đúc," cô nói.
Yousef cho biết, nhìn chung, phản hồi từ người dùng rất tích cực vì iThrone cung cấp một giải pháp thay thế an toàn hơn, sạch sẽ hơn cho các hố xí nằm trên đỉnh đồi hẻo lánh.
Mới đây change: WATER Labs tiếp tục nhận được tài trợ từ Quỹ Bill và Melinda Gates, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để lắp đặt nhà vệ sinh tại các cộng đồng tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm nay.
Các công ty tư nhân cũng bày tỏ sự quan tâm, bao gồm hai nhà thầu xây dựng lớn đang tìm cách đưa iThrone vào các ngôi nhà thu nhập thấp ở Trung Mỹ và hai công ty Ấn Độ muốn đưa iThrone vào các cảng cũng như thiết bị vận tải và hàng hải.
Yousef nói, sự quan tâm từ nhiều bên cho thấy nhu cầu lớn đối với các giải pháp vệ sinh hiệu quả. “Chúng ta cần các giải pháp mới có thể chứa và loại bỏ chất thải của con người, đồng thời giảm lượng nước tiêu thụ, ngăn ngừa ô nhiễm. iThrone giải quyết tất cả những điều đó."