Xuất phát từ nhu cầu thực tế, những nhà nông - “kỹ sư chân đất” đã sáng chế ra nhiều máy móc độc đáo. Những chiếc máy mang thương hiệu “nông dân” không chỉ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí, sức lao động mà còn tạo ra sản phẩm làm hài lòng người tiêu dùng.
Dù không qua trường lớp đào tạo về khoa học kỹ thuật nhưng với niềm đam mê sáng tạo, ông Trần Công Khanh (ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) đã tự nghiên cứu, cải tiến thành công máy xay chả cá. Ông Khanh cho biết, trước đây ông sử dụng máy xay bằng tay. Do lượng khách hàng ngày càng đông, chiếc máy xay đang dùng công suất chỉ đạt 20kg/ngày, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Năm 2015, ông bắt đầu nghiên cứu về nguyên tắc hoạt động của máy xay đang sử dụng. Để máy đạt công suất như mong muốn, ông Khanh gắn thêm một mô tơ điện vào, nâng cấp và mở rộng thêm phần cối xay cá cỡ lớn. Đối với máy quay chả cá, ông Khanh gắn thêm máy ly tâm, giúp chả nhuyễn hơn và tăng thêm độ giòn. “Khi sử dụng chiếc máy này, công suất xay chả đạt 500-700kg/ngày, cao gấp nhiều lần so với máy xay bằng tay. Ngoài ra, nhân công không tăng thêm, trong khi chất lượng chả cá được đánh giá cao hơn nhờ những cải tiến của máy quay chả”, ông Khanh chia sẻ thêm.
Với công suất gia tăng nhờ những chiếc máy này, gia đình ông Khanh đã mở thêm xưởng sản xuất chả cá thứ hai. Hiện nay, 2 xưởng sản xuất của gia đình ông Khanh xuất bán trung bình trên 1 tấn chả cá mỗi ngày, lợi nhuận đạt trên 250 triệu đồng/năm.
Cũng từ thực tế sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Hiển (ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) đã mày mò nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công hệ thống tưới bù áp để đưa nước đi xa hơn. Phương pháp tưới này không làm ướt toàn bộ bề mặt đất mà chỉ cung cấp nước vào bộ phận cần thiết của cây trồng nên còn giảm lượng nước thừa. Sản phẩm sau khi ra đời đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao, đặc biệt là bà con nông dân ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. “Địa hình nước ta khá nhiều đồi núi. Các vùng canh tác cây lâu năm hầu hết ở những khu vực không bằng phẳng, rất khó khăn trong việc tưới tiêu. Công nghệ tưới bù áp của chúng tôi đã hóa giải được những khó khăn này”, ông Hiển cho biết.
Sau thời gian nghiên cứu, năm 2019, ông Lê Thanh Hoàng (ấp Nam, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) đã thành công trong việc sáng tạo máy cắt cỏ. Sản phẩm ứng dụng thực tiễn đã giúp ông giảm bớt sức lao động và thời gian. Theo đó, với 800 ngàn đồng, ông Hoàng mua lại các mô tơ cũ còn sử dụng được, cùng thanh cắt và tay cầm để tạo thành chiếc máy cắt cỏ mới. Chiếc máy cắt này có thể thay thế 4 công lao động thông thường. Ngoài việc sử dụng cho gia đình, ông Hoàng cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cho nhiều bà con tại địa phương có nhu cầu. “Chiếc máy này thuận tiện hơn nhiều lần so với cắt cỏ bằng tay. Nhân công làm cũng giảm nhiều lần”, ông Hoàng chia sẻ thêm.
Theo Hội Nông dân tỉnh, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh dù không được đào tạo qua các lớp chuyên môn kỹ thuật, nhưng từ thực tiễn đã mày mò nghiên cứu và sáng chế ra các loại máy móc có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả trong sản xuất.
Trung bình mỗi năm, Hội Nông dân tỉnh nhận được từ 5-7 sáng kiến, sáng tạo của hội viên trên toàn tỉnh. Nhiều sáng kiến đã được chứng nhận, đạt giải cấp tỉnh, được đưa vào áp dụng thực tiễn, thúc đẩy nền nông nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển.
Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, bên cạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào phát minh sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật cũng được nhiều nông dân hưởng ứng. Đa số các sáng chế đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế lao động, sau khi sáng chế thành công đã được chuyển giao cho nhiều nông dân. Điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Nhưng hơn hết, đó là khả năng sáng tạo không giới hạn của những “kỹ sư chân đất”, góp phần vào hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật của địa phương và cũng là minh chứng cụ thể nhất cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống.