Phát hiện thực phẩm hỏng bằng điện thoại thông minh
05/07/2018
100 Lượt xem
Các nhà khoa học chế tạo thành công một thẻ điện tử chứa cảm biến có khả năng gửi cảnh báo tới điện thoại thông minh khi nó phát hiện thực phẩm hỏng.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) và Đại học Texas ở Austin (Mỹ) chế tạo một loại cảm biến khí có khả năng phát hiện các hợp chất amin sinh học (BAs) gây mùi được giải phóng từ thực phẩm bị hỏng. Họ tích hợp cảm biến này vào thẻ Giao tiếp Trường Gần (Near Field Communications - NFC) có khả năng truyền tín hiệu không dây qua khoảng cách ngắn, thường nhỏ hơn 10 cm. Thẻ NFC sẽ gửi cảnh báo đến điện thoại thông minh nếu thức ăn đặt cạnh nó bắt đầu phân hủy.
Thẻ NFC chứa cảm biến có khả năng phát hiện thực phẩm hỏng. Nguồn: American Chemical Society.
"Thực phẩm hỏng rất có hại cho sức khỏe. Nhưng đôi khi chúng ta không thể dễ dàng nhận biết được chúng bằng thị giác và khứu giác", Guihua Yu, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas, cho biết. "Vì vậy, mục đích của chúng tôi là phát triển một cảm biến vừa hiệu quả, giá cả lại phải chăng, có khả năng phát hiện thực phẩm ôi thiu với sự trợ giúp của điện thoại di động."
Trong một thử nghiệm, các nhà khoa học đặt thẻ NFC chứa cảm biến bên cạnh một miếng thịt. Thịt hơi ôi là loại thực phẩm rất có hại nhưng cũng rất khó để phát hiện. Sau khi thịt được để ở nhiệt độ 28 độ C trong 24 giờ, nhóm nghiên cứu nhận thấy cảm biến đã phát hiện một lượng đáng kể BAs. Cảm biến kích hoạt thành công thẻ NFC và truyền thông tin đến điện thoại thông minh gần đó. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nano Letters vào ngày 27/6.
Yu lưu ý rằng, thiết bị cần thêm một thời gian nữa trước khi có mặt trên thị trường. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang cố gắng cải thiện giao diện ứng dụng trên điện thoại thông minh và thiết kế bao bì cho sản phẩm.
"Chúng tôi phát triển cảm biến dùng cho hộ gia đình và phục vụ mục đích công nghiệp. Một mặt, cảm biến này có nhiều tiềm năng ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày vì nó rất thuận tiện và chính xác cho người tiêu dùng. Mặt khác, việc sử dụng thiết bị không quá phức tạp nên có thể áp dụng cho một số cơ sở thực phẩm quy mô lớn", Yu nói.
Công nghệ phát hiện thực phẩm hỏng cũng nảy sinh một số vấn đề. "Mối quan tâm của tôi là mức độ nhạy cảm của cảm biến. Nếu nó phát hiện được BAs ở nồng độ rất thấp, chúng ta sẽ vứt bỏ thức ăn đi khi nó vẫn còn ăn được, làm tăng thêm các vấn đề rác thải thực phẩm", Lona Sandon, chuyên gia an toàn thực phẩm tại Trung tâm Y tế Tây Nam thuộc Đại học Texas (Mỹ), cho biết.
Theo Sandon, đôi khi chúng ta có thể kiểm tra trực quan nhanh chóng các loại trái cây, rau củ, pho mát và thịt để xem chúng còn tốt để ăn hay không mà không cần cảm biến. Sự thay đổi màu sắc, mùi vị hoặc xuất hiện những vết mềm nhũn, nấm mốc là dấu hiệu cho thấy thực phẩm đã bị hỏng.