Giáo sư Madhu Bhaskaran, người dần đầu nhóm nghiên cứu, cho biết mẫu thiết bị là một bước tiến lớn hướng tới công nghệ y sinh thế hệ mới và robot thông minh. Ông chia sẻ: “Da là cơ quan cảm nhận lớn nhất cơ thể người với các đặc điểm phức tạp và có thể truyền tín hiệu cảnh báo nhanh như chớp khi có bộ phận nào đó bị đau. Chúng ta cảm nhận mọi thứ liên tục thông qua da nhưng phản ứng đau chỉ xuất hiện tại một thời điểm nhất định, như khi ta chạm vào cái gì đó quá nóng hoặc quá nhọn. Da nhân tạo của chúng tôi phản ứng ngay tức khắc khi áp lực, độ nóng, độ lạnh vượt ngưỡng đau”.
Giáo sư Madhu nhấn mạnh đây là bước quan trọng trong xây dựng các hệ thống phản hồi phức tạp mà con người cần để làm ra chân tay giả và robot thông minh. Khi phát triển thêm, da nhân tạo co giãn cũng có thể là lựa chọn tương lai cho ghép da không xâm lấn.
Da điện tử sử dụng ba công nghệ mà trường RMIT từng tiên phong trước đó và được cấp bằng sáng chế gồm công nghệ tạo ra các ô nhớ điện tử (memory cell) giống não bộ; các thiết bị điện tử có thể co giãn; lớp phủ đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ.
Ngoài mẫu thiết bị có thể cảm thấy đau, nhóm nghiên cứu cũng phát triển thiết bị sử dụng công nghệ điện tử co giãn để có thể cảm nhận và phản ứng với thay đổi về nhiệt độ, áp lực.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Singapore đã phát triển thành công 1 thiết bị có tên gọi 'da điện tử đồng bộ' có thể giúp người lắp chi giả cảm nhận được các đồ vật, nhiệt độ và các cảm giác y như da thật của con người.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho biết, "da điện tử đồng bộ" (ACES), được làm từ 100 thiết bị cảm biến nhỏ và có kích cỡ khoảng 1cm2. Thiết bị có thể xử lý thông tin nhanh hơn hệ thống thần kinh của con người và có khả năng nhận biết chính xác 20-30 loại kết cấu bề mặt khác nhau, hay đọc chữ nổi với độ chuẩn lên tới hơn 90%.
Trưởng nhóm nghiên cứu Benjamin Tee cho biết, thông thường, da của con người cần phải miết vào đồ vật mới có thể cảm nhận được kết cấu bề mặt, nhưng da điện tử chỉ cần chạm nhẹ một lần đã có thể xác định được các loại kết cấu dựa trên mức độ thô ráp khác nhau.
Bên cạnh đó, các thuật toán trí tuệ nhân tạo AI cũng góp phần giúp thiết bị học hỏi nhanh chóng. Trong một ví dụ chứng minh về khả năng cảm nhận nhạy bén của thiết bị, da điện tử đã thành công phân biệt quả bóng mềm và quả bóng nhựa cứng. Với da nhân tạo, những người lắp chi giả có thể cảm nhận độ ấm, mềm trên bàn tay, hay cảm giác được họ nắm bàn tay chặt đến mức nào.
Thành công này được kỳ vọng sẽ cho phép những người lắp chi giả có thể cảm nhận được đồ vật, kết cấu vật liệu, nhiệt độ hay thậm chí là cảm giác đau như người thường.
Theo nhà nghiên cứu Benjamin Tee, ý tưởng trên được lấy cảm hứng từ bộ phim "Star Wars". Trong phim, nhân vật Luke Skywalker đã bị mất đi bàn tay phải và được thay thế bằng bàn tay robot, giúp anh lấy lại các cảm giác bình thường. Dù công nghệ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, song đã nhận được rất nhiều sự chú ý, đặc biệt từ cộng đồng y khoa.