Phát triển thành công miếng dán cảm biến theo dõi dấu hiệu có thể mắc Covid-19
06/05/2020
133 Lượt xem
Các nhà khoa học mới đây đã phát triển thành công miếng dán cảm biến ở cổ nhằm theo dõi các triệu chứng ho hay thở nhằm theo dõi các dấu hiệu sớm và sự tiến triển của bệnh Covid-19.
Trường Đại học Northwestern và Bệnh viện trực tuyến Shirley Ryan abilityLab phát triển một miếng dán, gắn vào phần hõm ở cổ, nơi có thể đo luồng khí từ khí quản. Miếng dán này không xâm lấn, trước đây, nó là một cảm biến để theo dõi giọng nói và nuốt trong phục hồi bệnh nhân đột quỵ. Thiết kế đó đã được điều chỉnh để theo dõi các vấn đề ho và thở là dấu hiệu của bệnh Covid-19. Miếng dán cũng phát hiện nhịp tim và nhiệt độ cơ thể.
Giáo sư John Rogers, Giám đốc Trung tâm Điện tử tích hợp sinh học của Đại học Northwestern nói: "Chúng tôi sử dụng máy đo gia tốc ba trục, băng thông cao đo chuyển động của bề mặt da để ghi lại chi tiết tiếng thở và ho, nó không giống như ống nghe kỹ thuật số”.
Người dùng sẽ bóc miếng dán ra và đặt nó vào bộ sạc không dây. Từ đây, miếng dán sẽ được kích hoạt để đồng bộ hóa dữ liệu được lưu trữ trong đó với iPad gần đó. Từ đó, dữ liệu được tải lên đám mây, thuật toán AI sẽ kiểm tra dữ liệu về sự bất thường liên quan đến Covid-19. Thiết bị không có cổng ngoài để cấp nguồn hoặc kết nối, giúp khử trùng dễ dàng hơn.
Bước đầu, dữ liệu do một người được đào tạo kiểm tra trước khi được chuyển đến các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Cho đến nay, đã có 25 đối tượng thử nghiệm đeo thiết bị trong hai tuần, tạo ra khoảng 1.500 giờ và 1 terabyte dữ liệu.
Giáo sư Rogers cho biết, trong tương lai gần, miếng dán cảm biến sẽ đo cả lượng oxy trong máu, sau khi một số báo cáo chỉ ra rằng oxy trong máu thấp là dấu hiệu khởi phát của Covid-19.
Phòng thí nghiệm tại cơ sở Chicago của Đại học Northwestern hiện đang sản xuất hàng chục miếng dán cảm biến mới mỗi tuần. Họ có khả năng mở rộng tới hàng trăm thiết bị mỗi tuần trước khi cung cấp giấy phép để sản xuất khối lượng lớn sản phẩm này.
Ngoài cảm biến để phòng, chống đại dịch Covid-19, Đại học Northwestern còn tham gia nghiên cứu một loạt các máy theo dõi hoạt động, như máy theo dõi đường glucose và cảm biến huyết áp. Xu hướng này cho phép người bệnh sớm đeo các thiết bị cảm biến y tế để xử lý các vấn đề sức khỏe trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.