Quy trình mới chuyển đổi thủy tinh không thể tái chế thành sản phẩm thương mại
28/02/2019
125 Lượt xem
Thủy tinh là vật liệu có thể tái chế. Quá trình tái chế loại vật liệu này mới chỉ dừng lại ở việc dễ dàng sắp xếp theo màu sắc những mảnh lớn. Trong khi, người ta thường bỏ qua những mảnh vụn, nhỏ. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một giải pháp nhằm chuyển đổi vật liệu này thành chất hữu ích.
Kỹ thuật độc quyền được phát triển bởi tiến sĩ Rhys Pirie và Giáo sư Damien Batstone, trường Đại học Queensland của Úc, kết hợp những gì được mô tả là "một loại hóa chất được gọi là chất làm sạch cống", được sử dụng để hòa tan các mảnh thủy tinh vụn thành silicat lỏng (thủy tinh lỏng)
Chất lỏng này sau đó có thể được sử dụng rộng rãi trong các vật liệu xây dựng, hóa chất hàng ngày và các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như lốp xe, chất tẩy rửa, kem đánh răng, chất trám bê tông và thậm chí cả phân bón cây trồng. Nó cũng được sử dụng để điều chế ra hạt hút ẩm silica gel thường được đóng niêm phong trong các gói nhỏ bằng giấy, là chất làm khô không khí dùng để bảo quản sản phẩm và các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, silicat lỏng lại không được sử dụng để chế tạo thành sản phẩm thủy tinh mới ở quy mô thương mại.
Silica là thành phần chủ yếu của một số loại thủy tinh, chiếm khoảng 70 - 75%. Chất thải phát sinh trong quá trình tổng hợp silica thành silicat lỏng thường rất ít. Tiến sĩ Pirie cho biết để tạo ra 1 kg silica gel cần sử dụng khoảng 1,3 kg thủy tinh thải.
Không giống như các phương pháp truyền thống, kỹ thuật sản xuất silicat lỏng mới cũng đòi hỏi sử dụng tương đối ít năng lượng. Đây cũng là một trong số những lý do để dựa vào đó, các nhà nghiên cứu ước tính rằng quy trình sản xuất vật liệu mới của họ rẻ hơn 50% so với các hệ thống sản xuất hiện có.
Batstone cho biết: "Sản phẩm dạng gel hòa tan được hình thành tại thời điểm các loại silicat được tạo ra thông qua một dây chuyền sản xuất thủy tinh hiệu quả và sau đó biến thành sản phẩm silicat. Tuy nhiên, giải pháp của chúng tôi sẽ là thu thập thủy tinh thải và biến chúng thành sản phẩm silicat thương mại thông qua một quy trình đơn giản hơn nhiều”.
UniQuest - công ty thương mại hóa của trường đại học hiện đang tìm kiếm các công ty đối tác quan tâm đến việc đưa công nghệ mới ra thị trường.