Rêu thủy sinh có thể xử lý asen trong các thủy vực ô nhiễm
26/04/2018
110 Lượt xem
Asen từ lâu đã được dùng để xử lý gỗ, nhưng vào năm 2014, lại bị cấm sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng do lo ngại về độc tính của nó. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Stockholm đã tìm ra một loại rêu có khả năng xử lý nhanh chất thải nguy hại này. Chỉ trong 1 giờ lọc nước, nồng độ asen thấp đến mức nước có thể an toàn để uống.
Arifin Sandhi, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Thử nghiệm của chúng tôi chứng minh rêu thủy sinh có công suất khử asen rất cao. Mất chưa đến hơn 1 giờ để loại bỏ 80% asen khỏi thùng chứa nước. Kết quả là nước có mức asen thấp không gây hại cho con người”.
Rêu lọc nước bằng cách hấp phụ nhanh asen từ nước. Phát hiện nghiên cứu dễ dàng mở ra một phương pháp lọc nước thân thiện với sinh thái. Từ đó, có thể trồng rêu trong các dòng suối và thủy vực có nồng độ asen cao để loại bỏ nguyên tố này.
PGS. Maria Greger, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Chúng tôi hy vọng hệ thống đất ngập nước dựa vào thực vật mà chúng tôi đang phát triển, sẽ giải quyết được vấn đề asen trong các khu vực khai khoáng ở miền Bắc Thụy Điển”.
Asen tìm đường xuống lòng đất và các thủy vực một cách tự nhiên, nhưng qua ngành công nghiệp hiện nay thì hầu hết là từ quy trình khai khoảng. Khi nước ô nhiễm asen được sử dụng để tưới cây trồng, nó được hấp thụ bởi thực vật và cuối cùng nhiễm vào chuỗi thức ăn. Ở Thụy Điển, lúa mì, rau củ, rau lá và các loại cây trồng khác cũng chịu tình cảnh này. Ở nhiều nơi, lúa thường được xét nghiệm dương tính với asen. Tình trạng ngộ độc asen diễn ra phổ biến ở một số nước, ví dụ, ước tính 57 triệu người dân ở lưu vực Bengal uống nước ngầm có nồng độ asen cao hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Ở Hoa Kỳ, asen được phát hiện trong nước ngầm ở miền Tây Nam, nhiều nơi ở New England, Michigan, Wisconsin, Minnesota, Dakota và nhiều địa điểm được biết đến có nồng độ asen trong nước ngầm cao.
PGS. Maria Greger cho rằng: “Lượng asen mà chúng ta tiêu thụ cuối cùng phụ thuộc vào lượng thực phẩm này mà chúng ta ăn, cũng như cách và nơi họ trồng chúng. Mục tiêu của chúng tôi là các hệ thống đất ngập nước dựa vào thực vật mà chúng tôi đang phát triển, sẽ lọc asen trước khi sử dụng nước làm nước uống và nước tưới. Như vậy, asen sẽ không nhiễm vào thực phẩm”.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Pollution.