Rô bốt nhỏ cảm biến môi trường có thể khám phá ruột và đường ống dẫn khí
08/08/2018
96 Lượt xem
Các kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thiết kế được những con rô bốt nhỏ có khả năng cảm biến môi trường xung quanh. Vi rô bốt có kích thước bằng một tế bào trứng ở người, có thể được sử dụng để khám phá các con đường khó tiếp cận như ruột người hoặc đường ống dẫn khí.
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế rô bốt nhỏ bằng cách nối mạch điện với các chất keo, hỗn hợp tạo ra các hạt không hòa tan có kích thước quá nhỏ nên không bao giờ lắng đọng trong nước hoặc không khí. Các hạt keo vẫn luôn phân tán.
Michael Strano, giáo sư kỹ thuật hóa học cho biết: "Chúng tôi muốn tìm ra các phương thức để ghép các mạch điện tử hoàn chỉnh vào các hạt keo". Trước đây, các nhà nghiên cứu đã cố gắng biến các hạt hoặc phân tử nhỏ thành rô bốt, nhưng chủ yếu tập trung cải thiện khả năng di chuyển của vi rô bốt. Nhóm nghiên cứu tại MIT muốn chế tạo vi rô bốt có nhiều chức năng hơn.
Mạch điện mới cho phép rô bốt có kích thước tế bào cảm nhận được môi trường xung quanh, lưu trữ dữ liệu và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản. Đi ốt quang nhỏ cung cấp cho mỗi mạch của rô bốt điện công suất siêu nhỏ đủ để rô bốt cảm nhận môi trường xung quanh và ghi lại các quan sát của nó.
Thay vì sử dụng vi mạch truyền thống cần được gắn với chất nền cứng, các nhà nghiên cứu đã chế tạo mạch từ vật liệu mỏng và dẻo như graphene. Mạch chỉ cần ít điện năng để hoạt động. Độ dẻo cho phép mạch bám vào các hạt keo, chịu được lực nhiều cấp độ khác nhau khi lơ lửng trong chất lỏng hoặc khí.
Rô bốt mới có thể được sử dụng không chỉ để nội soi đại tràng theo hướng ít xâm lấn, mà còn để tìm kiếm các lỗ hổng cấu trúc bên trong đường ống dẫn dầu và khí. Các nhà khoa học hy vọng sẽ cải tiến để đưa ra những phương thức mới áp dụng công nghệ rô bốt.
Vi rô bốt mới nhỏ chưa từng có với khả năng cảm nhận môi trường xung quanh đã được nhóm nghiên cứu mô tả trong một bài báo trên tạp chí Nature Nanotechnology.