Bộ sách mới nhất của TS.Karen ann Donnachie và TS.Andy Simionato mang theo dòng chữ cảnh báo: “Chú ý! Sách này không do con người thiết kế”.
Thực ra thì nguyên tác của các cuốn sách này là do con người viết nên, nhưng phiên bản mới gồm thơ Haiku và những hình ảnh vô cùng “lạ” và “độc” là do trí thông minh nhân tạo (AI) tạo nên.
Robot đọc sách của hai giảng viên RMIT sử dụng thị giác máy tính và nhận dạng ký tự quang học để “đọc” sách.
Sau đó, nó dùng công nghệ học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để chọn ra một tổ hợp từ ngữ mang chất thơ từ trang sách và biến chúng thành một bài thơ Haiku, đồng thời xóa toàn bộ những từ còn lại.
Tiếp đến, robot sẽ tìm kiếm hình ảnh minh họa trên Google phù hợp với đoạn thơ trên và gửi nội dung đến một nhà in trực tuyến. Quy trình sáng tác như vậy là hoàn tất!
Tính đến nay, robot đọc sách này đã chuyển thể hơn 12 cuốn sách. Thành phẩm khiến người đọc hơi bối rối vì thường khá hài hước và thi thoảng còn đậm chất thơ.
TS. Simionato - giảng viên khoa kiến trúc và thiết kế của RMIT cho biết, nhóm của ông đã “chạy thử nhiều phiên bản khác nhau cho mỗi cuốn sách và mỗi lần lại cho ra kết quả khác nhau.
Mỗi thuật toán sẽ giải được một câu đố mới, tổ hợp luôn nằm sẵn ở đó nhưng chúng ta chưa từng nhận ra thôi”.
Dự án xuất phát từ mong muốn khuyến khích mọi người bàn luận về thơ văn trong thời đại của AI và gần đây được trưng bày ở Triển lãm sách nghệ thuật Melbourne tại Úc.
Theo TS. Donnachie - giảng viên khoa mỹ thuật RMIT: “Đây là nỗ lực của chúng tôi để định hướng tương lai cho sách - thứ đã ở quanh ta từ rất lâu và đóng vai trò trung tâm của nhiều nền văn hóa, nhưng lại đang đổi thay quá nhanh.
Giờ đây, cách thức tạo ra và đón nhận con chữ, cũng như văn hóa nói chung, đã chuyển đổi sâu sắc do lối viết tắt, các meme (biểu tượng về mặt văn hóa hoặc một ý tưởng nào đó được lan truyền trên mạng Internet) và biểu tượng emoji trên mạng xã hội, và AI thì lại đang thay chúng ta tóm tắt lượng lớn văn bản mỗi ngày.
Vậy thì quá trình sáng tác văn thơ sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh đó?”.
TS. Đặng Phạm Thiên Duy - giảng viên công nghệ thông tin tại RMIT Việt Nam, nhận thấy đang ngày càng có nhiều nội dung được AI tạo ra và các ứng dụng có thể phát triển từ đó.
“Nếu một bức tranh do AI tạo ra ai sẽ giữ bản quyền bức tranh đó?
Chính AI đó, lập trình viên phát triển thuật toán AI hay người sử dụng thuật toán?”.
Điều gì sẽ xảy ra với báo giới khi robot có thể viết tin tức thành thạo như các nhà báo con người?
Làm thế nào để tăng niềm tin của độc giả với tin tức do máy móc tự động tổng hợp nên?
Đây là những câu hỏi chúng ta cần phải nghĩ đến”, TS.Duy nhận định.
Theo TS.Duy, việc dùng AI để tạo ra nội dung mới và xử lý ngôn ngữ tự nhiên là “những xu hướng thú vị” trong lĩnh vực AI và là ví dụ rõ ràng về cách AI có thể đóng góp cho các ngành khác ngoài khoa học máy tính.
Tuy nhiên, ông tin rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi AI có thể ngang tầm với trí thông minh của con người.
“Thực tế rằng AI có thể đọc nhưng chưa thể hiểu văn bản một cách trọn vẹn, hay tạo ra các nội dung có ý nghĩa. Vì vậy, các nhà khoa học cần nỗ lực hơn nữa để có thể phát triển AI lên đến tầm của trí thông minh nhân tạo tổng hợp”, TS. Duy cho biết.