Đậu tương là loại hạt phổ biến trong bữa ăn của người châu Á hàng trăm năm nay. Giờ đây, hạt đậu này còn có thể trở thành phương án thay thế màng bọc nhựa.
Ông William Chen, giáo sư khoa học và công nghệ thực phẩm tại Đại học Công nghệ Namyang (Singapore) đã sáng chế ra loại màng bọc thực phẩm phân hủy sinh học mới nhất này. Nó được làm từ cellulose, chiết xuất từ phế phẩm của đậu tương khi làm đậu phụ hoặc sữa đậu nành.
Thứ bã đậu còn lại thường bị vứt bỏ, song ông Chen đã gom chúng và cho lên men. Vi khuẩn trong quá trình lên men đã phân hủy các chất dinh dưỡng, để lại chất xơ cellulose.
Mặc dù màng bọc cellulose đã xuất hiện trên thị trường được vài năm nhưng Giáo sư Chen cho hay đa số làm từ gỗ hoặc ngô. Ngược lại, màng bọc của ông được làm từ phế phẩm nên không tốn diện tích đất trồng cũng như bền vững hơn.
Kênh CNN cho rằng công nghệ của ông Chen có thể cùng lúc giúp giải quyết hai vấn đề: giảm rác thải nhựa và giảm lượng phế phẩm từ thức ăn bị đổ ra bãi rác. “Tại Singapore, lượng thức ăn bị bỏ đi mỗi năm có thể đổ đầy 15.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic”, ông Chen cho biết. Do sản phẩm từ đậu tương rất phổ biến ở nước này nên hàng ngày có đến 30 tấn phế phẩm đậu bị đổ bỏ.
Công ty sản xuất thức uống từ đậu tương F&N đã hợp tác để cung cấp bã đậu cho phòng thí nghiệm của ông William Chen. F&N cũng đang nghiên cứu tính khả thi nhằm đánh giá khả năng cạnh tranh thương mại của màng bọc thực phẩm từ đậu tương so với những sản phẩm thông thường khác.