Tác phẩm do trí tuệ nhân tạo sáng tác ra có được bảo hộ quyền tác giả?
14/11/2018
579 Lượt xem
Thời đại Cách mạng 4.0 đã xuất hiện kịch bản phim, tác phẩm âm nhạc được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo. Vậy những tác phẩm do trí tuệ nhân tạo làm ra bản quyền thuộc về ai, tác phẩm này có được bảo hộ quyền tác giả hay không. Đây là những vấn đề bản quyền sẽ xuất hiện trong Cách mạng 4.0.
Robot trình diễn âm nhạc đã đặt ra vấn đề bảo hộ bản quyền cho các tác phẩm âm nhạc được sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo.
Ảnh minh họa: YouTube
Sáng ngày 31/10/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc 2018, tại diễn đàn nhiều diễn giả đã chia sẻ các ý kiến về phương án quản lý bản quyền trong môi trường số. Trong đó một trong những vấn đề được đề cập đến là việc bảo vệ bản quyền trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi thế nào, khi mà sẽ có nhiều các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh được sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo trong thời gian không xa nữa.
Ông Kim Chan Dong, Đội trưởng Đội thương hiệu bản quyền, Ủy ban bản quyền tác giả Hàn Quốc, Cách mạng 4.0 sẽ phát triển không ngừng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot. Hiện đã xuất hiện kịch bản phim của trí tuệ nhân tạo mang tên “Benjamin”, hoặc như tác phẩm âm nhạc được trình diễn bởi robot Teotronico có số lượt theo dõi lên đến hàng triệu trên YouTube. Trong tương lai trí tuệ nhân tạo có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hay không kém gì con người.
Vậy câu hỏi đặt ra là những tác phẩm được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo có được bảo vệ quyền tác giả hay không, tác phẩm được trí tuệ nhân tạo làm lên là của ai. Nếu nói trí tuệ nhân tạo đã xâm phạm bản quyền thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Đây là những vấn đề về bản quyền sẽ xuất hiện trong thời đại Cách mạng 4.0 đang diễn ra như vũ bão.
Cũng theo ông Kim Chan Dong cùng với xu hướng tìm kiếm nội dung trên môi trường số ngày càng gia tăng, thì thu lại cho nghệ thuật và cho các nhà đầu tư sản xuất nội dung số đang có một sự bất bình đẳng. Cụ thể, theo số liệu của IFPI, dịch vụ dựa trên lượt người đăng ký đạt 212 triệu người sử dụng, doanh thu quảng cáo đạt 3,9 tỷ USD. Trong khi dịch vụ dựa trên quảng cáo có trên 900 triệu người sử dụng nhưng doanh thu chỉ đạt 553 triệu USD. Sự chênh lệch này đã tạo ra sự tranh cãi gay gắt về khoảng cách chênh lệch giá trí (Value Gap). Ví dụ, như YouTube chẳng hạn, ước tính mạng chia sẻ video này thu được lợi nhuận 1USD/người sử dụng. Trong khi quảng cáo trên các tờ báo thì ngày càng giảm sút.
Việc giải quyết bản quyền thế nào với Big Data cũng đang được các nhà làm luật suy nghĩ. Bởi vì Big Data cần thu thập một lượng dữ liệu rất lớn, lượng sẽ liệu này có giá trị kinh tế và giá trị của dữ liệu sẽ ngày càng gia tăng. Vậy nên một số quốc gia đã bắt tay sửa đổi Luật về bản quyền để đưa ra các giải pháp ứng phó về bản quyền thời Cách mạng 4.0.
Ví dụ, Nhật Bản đã thảo luận nhằm cải thiện chế độ IP phục vụ thích ứng môi trường số, bảo vệ tác phẩm trí tuệ nhân tạo. Anh cũng đã sửa đổi Luật bản quyền nhằm đổi mới và thúc đẩy kinh tế quốc gia. Mỹ nhấn mạnh tính cần thiết của Luật bản quyền và Triển khai kế hoạch chiến lược liên quan trong tương lai. Liên minh châu Âu triển khai mô hình “Digital Single Market” phục vụ công tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số một cách tối đa.
Để ứng phó với cách mạng 4.0, Hàn Quốc đã nghiên cứu xây dựng phương án chính sách về bản quyền trong tương lại từ năm 2015 tới nay và nhóm nghiên cứu thực tế để cải thiện Luật Bản quyền.
Ông Kim Chan Dong cũng đề nghị Việt Nam và Hàn Quốc sớm có phương án hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực bản quyền như: Tăng cường đào tạo và quảng bá về chủ đề bản quyền, xây dựng hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ. Tạo dựng môi trường khai thác tác phẩm qua công tác hợp tác tự do với Tổ chức quản lý tập trung bản quyền (CMO). Hợp tác nghiên cứu xây dựng hệ thống bảo vệ bản quyền.
Theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Việt Nam việc thực thi bản quyền trên môi trường số được áp dụng theo Thông tư liên tích 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy trình rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP). Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.