Các nhà khoa học đã dùng vỏ trấu, mùn cưa để chế tạo than sinh học giúp phát thải ít khí CO2, giảm tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà nghiên cứu Đại học Khoa học và Công nghệ (An Huy,Trung Quốc) tìm cách chế tạo than sinh học từ rác thực vật, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Để chế tạo than sinh học, nhóm nghiên cứu tiến hành nhiệt phân các loại rác thực vật như vỏ trấu, mùn cưa, thân ngô ở nhiệt độ 500 độ C trong môi trường yếm khí. Quá trình này tạo ra dầu sinh học. Sau đó, dầu sinh học được chưng cất trong môi trường từ nhiệt độ phòng đến khoảng 240 độ C. Sản phẩm thu được là các than sinh học và hóa chất dạng lỏng.
Một số các loại rác thực vật thường bị bỏ đi trong khi chúng có đặc điểm ổn định về mặt hóa học, đem lại giá trị cao về năng lượng. Việc sử dụng than sinh học giúp sản sinh ít khí CO2 ra môi trường vì than sinh học không chứa các thành phần độc hại như kẽm, chì, mangan, gây ô nhiễm môi trường. Phát triển than sinh học nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung là điều cần thiết để giảm tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch và các vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài thay thế than tự nhiên, than sinh học có thể thay thế cho khí gas phục vụ sinh hoạt.