Một nhóm các nhà khoa học cho biết đã chế tạo thành công máy tính lượng tử có khả năng khởi tạo sự chồng chập của tất cả những tương lai khả dĩ mà máy tính có thể trải nghiệm.
Trong nghiên cứu công bố trên Nature Communications vào hôm 09/04, các tác giả đã mô tả cách thức mà hệ thống lượng tử này có thể giúp trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai học hỏi nhanh hơn nhiều so với hiện tại – đồng nghĩa với máy tính lượng tử cuối cùng cũng trở thành một công cụ thiết thực.
Hiện tại, thiết bị do các nhà khoa học của Đại học Griffith (Úc) và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) hợp tác chế tạo đã có thể nắm giữ 2 chồng chập của một tập hợp 16 khả năng khác nhau – nghiên cứu cho biết. Ngoài ra, nó cũng sử dụng ít bộ nhớ hơn so với máy tính cổ điển và tỏ ra vượt trội hơn đối với một số tác vụ nhất định.
“Điều này gợi nhớ rất nhiều về sự phát triển của máy tính cổ điển trong thập niên 1960” – nhà khoa học Geoff Pryde thuộc ĐH Griffith cho biết trong một thông cáo báo chí. “Giống như không nhiều người khi ấy có thể tưởng tượng ra công dụng của máy tính cổ điển, còn rất nhiều điều liên quan đến khả năng của máy tính lượng tử mà chúng ta hiện vẫn chưa biết.”
Trí tuệ nhân tạo đang học bằng cách phân tích những ví dụ liên tục để tìm kiếm đặc điểm. Vì thế, các tác giả của nghiên cứu mới kỳ vọng, sự chồng chập lượng tử mà thiết bị của họ tạo ra có thể giúp cải thiện đáng kể tiền trình này. “Thông qua sự can thiệp và giữa các chồng chập với nhau, chúng ta hoàn toàn có thể tránh khỏi việc chỉ nhìn vào từng tương lai riêng lẻ” - chuyên gia khoa học máy tính Farzad Ghafari nhận định.