Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người làm nông nghiệp, tỉnh BR-VT đang hướng đến nền nông nghiệp 4.0 (nông nghiệp thông minh).
Máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái.
Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp là áp dụng thành tựu khoa học -công nghệ, thay đổi phương thức canh tác để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề mà Sở KH-CN quan tâm nghiên cứu nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị nông sản, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập. Thời gian qua, Sở KH-CN đã tổ chức các hội thảo, giới thiệu mô hình nông nghiệp 4.0 cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ngày 17-7, Sở KH-CN đã tổ chức hội nghị báo cáo chuyên đề “Tổng quan nông nghiệp thông minh 4.0 trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam” do PGS-TS Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam trình bày. Chuyên đề này nhằm giới thiệu và nâng cao nhận thức của các tổ chức, đơn vị, DN, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh về xu hướng nông nghiệp thông minh 4.0 đang diễn ra trên thế giới cũng như cả nước trong giai đoạn hiện nay. Từ đó giúp người dân có cách nhìn rõ ràng hơn về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Cũng tại buổi báo cáo chuyên đề này, Ban tổ chức còn giới thiệu một số giải pháp, thiết bị công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp hiện nay trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam như: Máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái (do Công ty CP Đại Thành phân phối tại Việt Nam); Giải pháp công nghệ Agricheck (hệ thống kiểm soát và thông tin chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp) giúp chống hàng giả và truy xuất nguồn gốc, theo dõi đường đi của sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Thành cho biết, sử dụng máy bay không người lái giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, phù hợp với những diện tích lớn hoặc những địa hình trồng trọt phức tạp. Với 17 lít thuốc, mỗi chiếc máy bay có thể phun kín 2ha cây trồng chỉ trong 10 phút, năng suất cao gấp 50 lần so với các phương pháp truyền thống. Các chỉ số, tọa độ sẽ tự động lưu trên hệ thống, nông dân chỉ cần bấm bút khởi động và theo dõi máy bay qua màn hình điện thoại, không cần phải điều chỉnh. Điểm thuận lợi nữa là những chiếc máy bay này hoạt động bằng pin, có thể nâng được tải trọng lớn kèm theo vòi phun áp lực cao nên chúng có thể phun thuốc ở những nơi địa hình phức tạp như đồi núi dốc hoặc những loại cây trồng có tán cao. Luồng gió mạnh từ cánh quạt của máy bay cũng có tác dụng phân bố đều lượng thuốc trên toàn bộ cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay giá bán của máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái khá cao, lên đến 500-600 triệu đồng/chiếc, đồng thời chỉ thích hợp với mô hình cánh đồng lớn, trong khi đa số diện tích sản xuất nông nghiệp của nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún.
Nông trại Vifarm (phường 12, TP.Vũng Tàu) hiện đang ứng dụng tiến bộ khoa học -
kỹ thuật vào trồng rau sạch.
Thời gian qua, tại BR-VT cũng đã có một số cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 như: Nông trại Vifarm (phường 12, TP.Vũng Tàu) sử dụng phần mềm trên điện thoại di động thông minh để quản lý chế độ tưới nước, bón phân cho cây trồng; Liên hiệp HTX Cung ứng nông sản và thực phẩm an toàn BR-VT (Co.op BR-VT) sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; HTX Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bàu Mây sử dụng phần mềm QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Theo anh Cao Nhật Anh Tú, người sáng lập trang trại Vifarm, hiện nay, Vifarm đang trồng rau bằng công nghệ thủy canh hồi lưu. Với công nghệ này, cây trồng không sử dụng đất mà sử dụng giá thể và nước. Toàn bộ chất dinh dưỡng cho rau được pha theo một quy trình đã được kiểm duyệt, theo hệ thống dẫn nước đi đến các giá thể cung cấp cho cây phát triển. Thông qua hệ thống tự động giám sát, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… tại khu vực trồng rau được cập nhật qua ứng dụng trên smartphone. Từ smartphone, người làm vườn ở Vifarm chỉ cần nhấn nút điều khiển theo các thông số để bổ sung các điều kiện thiết yếu cho rau phát triển.
Theo Sở NN-PTNT, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, với mức tăng trưởng 4,5%/năm, trong đó sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đang tập trung hỗ trợ các DN, người dân hình thành các vùng nông sản tập trung, những cánh đồng lớn cùng nhiều chính sách ưu đãi trong sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... nhằm mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp 4.0.